Thứ 3, 23/07/2024, 01:23[GMT+7]

Anh Trụ bám trụ thành công

Thứ 2, 02/04/2018 | 08:29:46
3,284 lượt xem
Những kinh nghiệm vợ chồng anh đúc rút được không chỉ giúp cho mình mà còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mời lên cùng trao đổi rồi đưa hội viên đến tham quan, học tập.

Đã là trung tuần tháng 2 âm lịch vậy mà bữa cơm gia đình anh Phạm Văn Trụ ở xã Đông Long, huyện Tiền Hải vẫn còn khá đầy đủ các món ăn được chế biến từ thịt bò. Ngạc nhiên trước bữa cơm của một gia đình nông dân ở xóm nghèo xa trung tâm xã lại là xã nghèo của huyện Tiền Hải nên tôi tò mò hỏi chuyện anh suốt trong và sau bữa ăn của chúng tôi với gia đình anh Trụ, chị Nhung chỉ xoay quanh chuyện làm ăn trên vùng đất khó. Anh bảo sau 10 năm phiêu bạt ở Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nghề khác nhau kiếm được chút vốn anh quyết định về quê vừa trông nom gia đình, vừa phát triển kinh tế. 

Anh Phạm Văn Trụ (người mặc áo đen) tiếp tục trăn trở với ước mơ làm giàu.

Nhấp ly rượu cùng khách anh tâm sự cái may của anh là vừa về quê cũng đúng dịp xã cho đấu thầu khu ruộng trũng với thời hạn 20 năm để người dân phát triển kinh tế, anh liền bàn với bố và gia đình bỏ ra 120 triệu đồng để đấu thầu 2 ha đất ruộng vừa chua, vừa trũng ở khu kè Cô Cúc, thôn Hưng Thịnh để đào ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có đất rồi ngày đêm anh cùng vợ và gia đình thuê máy, thuê người quy hoạch lại khu ruộng trũng thành vùng ao nuôi cá. Khu chăn nuôi, ở trên bờ anh duy trì 100 đầu lợn thịt, 300 - 500 con gà, vịt cùng đàn bò có lúc lên tới 10 con. 

Anh bảo thời tiết lúc mưa lúc nắng, lúc bão gió, giá cả thị trường cũng bấp bênh lúc lên, lúc xuống, cái chuyện được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên với các loại gia súc, gia cầm. Ví như suốt từ tháng 10/2016 đến tháng 11/2017 là giai đoạn đàn lợn rớt giá thê thảm, thế rồi có thời điểm mưa kéo dài chống đỡ không kịp cá theo nhau ra sông, ra biển. Khi chăn nuôi cá ổn định thì giá lại xuống, cá chép chỉ còn dưới 40.000 đồng/kg, cá trôi 1kg cũng chỉ có trên 20.000 đồng song về cơ bản do nắm được quy luật của thị trường và tìm được đầu ra nên việc chăn nuôi của anh chị và gia đình khá thành công với 12 năm bám trụ cùng gia đình trên vùng đất khó này anh vẫn thu lãi hàng năm vài ba trăm triệu đồng. 

Riêng năm 2017, do giá lợn xuống thấp tới mức kỷ lục nên chuyện làm ăn cũng chỉ bảo toàn được vốn. Trong câu chuyện với khách, chị Nhung vợ anh còn kể học hết trung học phổ thông đi học kế toán và làm việc được 2 năm thì chị quyết định về cùng anh làm kinh tế, chị bảo ở ngoài này tuy xa đi lại khó khăn nhưng để kiếm được vài trăm nghìn một ngày cũng không phải là khó chỉ cần chăm chỉ là được. Rồi chị kể ra hàng loạt nghề mà anh chị kiếm sống ở nơi đồng không mông quạnh này từ bắt ếch, bắt tôm, cá ngoài đồng đến nuôi gà, vịt, nuôi lợn, nuôi cá, nuôi bò việc gì cũng phải vừa làm vừa học hỏi tư duy mới nghĩ ra những cách làm mới để tăng thu nhập. Bám trụ ở vùng đất khó này đã 12 năm cũng là quãng thời gian mà kinh nghiệm làm giàu của anh chị ngày một nhiều thêm. 

Bây giờ gia đình anh Trụ, chị Nhung đã trở thành điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế ở xã Đông Long. Những kinh nghiệm vợ chồng anh đúc rút được không chỉ giúp cho mình mà còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mời lên cùng trao đổi rồi đưa hội viên đến tham quan, học tập. Anh bảo, kết quả vợ chồng anh làm được chưa nhiều, kinh nghiệm cũng chưa có là bao nhưng biết gì thì trao đổi với mọi người, rồi nghe mọi người trao đổi mọi người làm được thì mình lại thêm bạn, buôn có bạn bán có phường các cụ vẫn dậy thế mà. 

Ăn bữa cơm, uống cốc nước chè, ăn quả ổi tráng miệng với gia đình người nông dân ở mảnh đất tận cùng phía Tây của tỉnh này tôi càng quý, càng yêu hơn cái gan làm giàu của họ. Ước gì chính quyền cơ sở cởi mở hơn, người nông dân năng động sáng tạo hơn thì ở xã nào, huyện nào dù xa hay gần trung tâm, dù điều kiện đi lại khó khăn hay thuận lợi chắc chắn vẫn có những người nông dân dám đem công sức của mình ra để làm giàu chính đáng trên những vùng đất khó khăn và chỉ khi nào những gia đình nông dân giàu lên được thì chúng ta mới có những xã giàu, huyện mạnh.

Tuấn Dung