Thứ 3, 26/11/2024, 07:18[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ 7, 13/06/2020 | 16:57:35
1,076 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quốc hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp..

Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận trong đó có 3 đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đăng ký. Các đại biểu đã phát biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra biến động chưa từng có; ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, gây hậu quả rất lớn và nghiêm trọng, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã làm suy giảm thương mại, du lịch, dịch vụ, tín dụng; xuất, nhập khẩu, sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp,…

Các đại biểu ghi nhận công tác phòng, chống dịch của nước ta đã rất thành công, được coi là “kỳ tích” với nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp, là điểm sáng xuất sắc trên bản đồ thế giới, được cộng đồng quốc tế khen ngợi, khiến người dân cảm thấy tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chủ trương chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ tính mạng nhân dân cùng với công tác bảo hộ, đón công dân Việt Nam từ các tâm dịch về nước đã khiến nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ, qua đó càng cho thấy, Nhà nước Việt Nam thật sự là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đồng thời, các vị đại biểu đã đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, Chính phủ đã ban hành các chính sách đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ, trong đó, có những chính sách đặc biệt chưa từng có; cùng với đó là các chính sách giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét miễn giảm một số khoản thuế;…. Tuy nhiên, quy định điều kiện được hưởng gói hỗ trợ vẫn còn cứng nhắc; việc triển khai các gói hỗ trợ chưa thống nhất, tốc độ giải ngân chưa đồng đều giữa các địa phương; xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp, việc bình xét hộ nghèo trước đây chưa thực chất, có hiện tượng dù là hộ nghèo nhưng không dám nhận trợ cấp hoặc chính quyền một số địa phương vận động hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ.

Các đại biểu đề nghị công khai các gói hỗ trợ của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp được biết rõ và tiếp cận kịp thời. Chính phủ cần tiếp tục xem xét, cấp bổ sung ngân sách cho các địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách.

Các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này vào phiên họp ngày thứ Hai, 15 tháng 6; Phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày