Thứ 6, 10/01/2025, 11:27[GMT+7]

Thảo luận nhiều vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, kiến nghị

Thứ 3, 08/12/2020 | 19:36:07
5,093 lượt xem
Chiều ngày 8/12, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục chia tổ thảo luận để các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 09122020_Thao_luan_nhieu_van_de_cu_tri_quan_tam_va_kien_nghi_chieu_0812_mixdown.mp3

 

Dự thảo luận tổ có đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, thường trực HĐND các huyện, thành phố.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang và đẩy mạnh tích tụ ruộng đất; ban hành cơ chế đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Video: Dong_chi_To_Quy_Bon_Pv1.mp4

Các huyện, thành phố cần  rà soát, kiểm tra và có giải pháp quản lý nghiêm việc tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp ở một số địa phương. 

Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nước sạch, các đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất đã được phê duyệt, các dự án trong kế hoạch đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Video: Dong_chi_Nguyen_Xuan_Khanh_pv2.mp4

Các đại biểu đề nghị tỉnh khẩn trương chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng cho chăn nuôi, các biện pháp xử lý nước thải, chất thải theo công nghệ mới để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước sạch của một số doanh nghiệp nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Các đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành lựa chọn doanh nghiệp có năng lực vào Khu kinh tế Thái Bình; có giải pháp đẩy mạnh quy hoạch, phân khu chi tiết, đồng bộ, có cơ chế thu hút doanh nghiệp mới đầu tư vào tỉnh

Video: Phong_van_Dong_chi_Bui_Manh_Ha_pv3.mp4

Cùng với đó, các ngành chuyên môn có hướng dẫn cụ thể trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và hỗ trợ đào tạo nghề; sớm triển khai thi công các dự án giao thông đã được phê duyệt. UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công trình đê, kè, cống, từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ ở một số trường. Tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở một số cơ sở còn cao, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở một số bệnh viện còn thiếu, nhất là hệ thống xử lý chất thải y tế ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là dịch Covid-19 dù đã được khống chế ở nước ta song vẫn có nguy cơ xâm nhập qua biên giới và lây lan ra cộng đồng, đề nghị quan tâm chỉ đạo khắc phục.

 Lĩnh vực quốc phòng, an ninh trật tự, xây dựng chính quyền, tiếp công dân và giải quyết đơn thư cũng được các đại biểu tập trung kiến nghị; trong đó đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm để đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Video: Phong_van_dong_chi_Dang_Thu_Hang_(PV4).mp4

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố sẽ được tiếp thu, tổng hợp báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh sáng ngày 9/12.

Trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 8/12, phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi ý kiến của một số đại biểu, lãnh đạo các ngành, các địa phương:

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh

Năm 2020 là năm đầy khó khăn, song kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng dương là tín hiệu rất khả quan, sẽ tạo tiền đề quan trọng để Thái Bình thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2021. Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 9,1% trở lên hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, những khó khăn của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đang khẩn trương được tháo gỡ, nếu đưa nhà máy đi vào vận hành chắc chắn sẽ tạo ra giá trị sản xuất lớn. Cùng với đó, sự phục hồi của sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 cũng là tín hiệu khả quan cho nền kinh tế, tăng thu cho ngân sách. Trong điều kiện hiện nay, cùng với đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo tôi vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp bảo đảm sự ổn định; trong đó phải đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang sản xuất hàng hoá, tạo ra chuỗi liên kết với giá trị giá tăng cao, bù đắp cho thiếu hụt trong sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Việc thực hiện đổi mới giáo dục có một số ý kiến của nhân dân, ngành đã tiếp thu để khắc phục các tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất nhiều trường học đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học, tôi đề nghị tỉnh tạo điều kiện bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ các trường đầu tư xây mới các phòng học, mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Trên địa bàn thành phố Thái Bình do tăng dân số cơ học dẫn đến tình trạng quá tải học sinh ở một số trường, đề nghị thành phố quan tâm dành quỹ đất, đầu tư kinh phí hoặc có cơ chế huy động nguồn lực xã hội hoá xây mới các trường học để giảm bớt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Bình

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh gia tăng tình trạng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Mặc dù Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng này, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết. Tôi đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các phòng khám tư nhân trên địa bàn vì hiện nay có nhiều phòng khám không đạt tiêu chuẩn, không đủ điều kiện theo quy định vẫn hoạt động khám chữa bệnh cho người dân; kiên quyết đóng cửa các phòng khám, cơ sở y tế hoạt động không phép, không đủ điều kiện khám chữa bệnh.

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương

 Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách sát thực, phù hợp, kịp thời cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục… tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Điển hình như cơ chế, chính sách tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho nông thôn, góp phần phủ kín nước sạch trên địa bàn tỉnh; hoặc các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về mặt bằng, vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất đã tạo đà cho công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh… Tuy nhiên, hầu hết các cơ chế, chính sách đó đến hết năm 2020 là hết thời hiệu thực hiện, vì vậy tôi đề nghị tỉnh rà soát, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách mới thực hiện trong giai đoạn tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời để phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Hưng Hà

 Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ sản xuất, mở rộng diện tích cây màu, cây vụ đông. Tuy nhiên, hiện nay lao động nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề dịch vụ khác do giá trị thu nhập từ cây màu, cây vụ đông vẫn thấp, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh. Để giải quyết vấn đề này mấu chốt là phải đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hoá. Do vậy, tỉnh cần nghiên cứu chuyển cơ chế hỗ trợ sản xuất cây màu, cây vụ đông sang hỗ trợ các mô hình sản xuất hàng hoá, mô hình liên kết trong sản xuất, mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn. Từ đó, có thể khuyến khích nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất, đầu tư nuôi các loại con, trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn; đồng thời các chính sách hỗ trợ cũng mang lại hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày