Thứ 3, 26/11/2024, 23:42[GMT+7]

Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ 4, 31/03/2021 | 08:04:07
781 lượt xem

Câu 68: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?
Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

Câu 69: Trong trường hợp nào thì hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định? Nếu có tình huống đặc biệt phát sinh trong quá trình bầu cử thì xử lý như thế nào?
Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 72 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

- Theo Điều 15 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các tình huống đặc biệt phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử được xử lý như sau:
+ Trường hợp dịch Covid-19 bùng phát: Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020).
+ Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
+ Trong các tình huống phát sinh nêu trên, nếu đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.

Câu 70: Các địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được trang trí, tổ chức như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, địa điểm bỏ phiếu được bố trí như sau:
- Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

- Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
+ Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu:
Tổ bầu cử sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để làm cổng ra vào khu vực bỏ phiếu.
Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu.
+ Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu.
Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng thì có thể tổ chức lễ khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu;
Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu;
Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử niêm yết danh sách, tiểu sử những người ứng cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu;
Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn hoặc phòng kín để bảo đảm cử tri “bỏ phiếu kín” theo quy định của pháp luật về bầu cử;

- Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công thành viên Tổ bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước, trong ngày bầu cử và cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổng hợp, lập biên bản kiểm phiếu gửi đến Ủy ban bầu cử tương ứng.

Câu 71: Nội quy phòng bỏ phiếu được quy định như thế nào?
Trả lời:

Điều 4 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 quy định nội quy phòng bỏ phiếu gồm các nội dung sau đây:
- Phải chấp hành đúng nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu;
- Cử tri phải xếp hàng lần lượt để thực hiện việc bỏ phiếu, ưu tiên người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ có thai;
- Phải giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn tại khu vực bỏ phiếu;
- Không được vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào;
- Không được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy... vào khu vực bỏ phiếu, phòng bỏ phiếu;
- Những người không có nhiệm vụ thì không được vào phòng bỏ phiếu;
- Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, những người có nhiệm vụ phục vụ bầu cử phải đeo phù hiệu theo mẫu do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định; thành viên Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và giải đáp thắc mắc của cử tri;
- Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử của công dân, vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu 72: Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử có phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri không?
Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử.

(còn nữa)

Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày