Thứ 7, 11/01/2025, 06:01[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa VI (1976 - 1981)

Thứ 2, 12/04/2021 | 08:35:41
1,888 lượt xem
Ngày 25/4/1976, trong niềm vui chung “Bắc Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải”, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành trong cả nước sau 30 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6/1/1946).

Cổ động bầu cử Quốc hội thống nhất ở tỉnh Hoàng Liên Sơn, tháng 4/1976. Ảnh tư liệu

Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đã đi bầu cử và bầu 492 đại biểu vào Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Về cơ cấu thành phần Quốc hội: công nhân 16,2%, nông dân 20,3%, trí thức 19,9%, đảng viên 81,4%, cán bộ chính trị 28,6%, dân tộc thiểu số 13,6%, quân đội 10,9%, phụ nữ 26%, thanh niên 11,7%.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 7 phó chủ tịch, tổng thư ký, 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập các ủy ban: Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, Ủy ban Y tế và Xã hội, Ủy ban Đối ngoại.

Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng; Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Quốc ca là bài Tiến quân ca và chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976 - 1981), Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban thường trực của Quốc hội đã làm việc thường xuyên để nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: Thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980); phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới 2 thành phố là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7, tháng 12/1980, Quốc hội khóa VI đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Hiến pháp 1980 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...”; Quốc hội là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sự ra đời của Hiến pháp mới là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, là vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân ta tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 5 pháp lệnh về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa VI có những chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế. Điển hình là Quốc hội đã gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới và có những đóng góp tích cực tại các diễn đàn của tổ chức này.

Kế tục một cách xứng đáng những thành tựu, bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, trong kỷ nguyên mới của đất nước, Quốc hội khóa VI tiếp tục hoàn thành thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội; có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 25/4/1976, cùng với cả nước, cử tri Thái Bình nô nức thực hiện quyền công dân tham gia bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 15 đại biểu. Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đoàn kết cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”. Nhờ vậy, từ một tỉnh nông nghiệp, đến năm 1980 Thái Bình đã từng bước tạo ra những yếu tố của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(tổng hợp)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày