Thứ 7, 11/01/2025, 08:56[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021)

Thứ 2, 19/04/2021 | 08:49:11
7,561 lượt xem
Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm: “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”.

Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh tư liệu

Quốc hội khóa XIV được bầu ngày 22/5/2016 với 496 đại biểu; trong đó: dân tộc thiểu số 86 đại biểu, phụ nữ 133 đại biểu, đại biểu ngoài Đảng 21, đại biểu trẻ tuổi 71; trình độ đại học và trên đại học 490 đại biểu; đại biểu tái cử 160; đại biểu tự ứng cử 2; 317 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 18 thành viên, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội cũng đã bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước... Quốc hội đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước đột phá (nhất là kỳ họp thứ chín, thứ mười do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy nhà nước bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao. Theo đó, Quốc hội đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ.

Trải qua 11 kỳ họp, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế.

Công tác giám sát được Quốc hội khóa XIV chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; cách thức tiến hành được cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc “đi đến cùng” vấn đề được giám sát. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.

Quốc hội khóa XIV luôn đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, nhiều quyết định đã được xem xét, ban hành kịp thời, nhiều chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm. Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành... Việc xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 9 đại biểu, các đại biểu luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu sâu nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, xây dựng luật gắn với những kiến nghị của cử tri và các ngành, các cấp ở địa phương; có gần 380 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ đóng góp vào tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng luật và quyết định những chủ trương, chính sách lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã chủ động tổ chức 33 cuộc hội thảo tham gia đóng góp ý kiến vào 62 dự án luật; với các dự án luật không có điều kiện tổ chức hội thảo Đoàn đều gửi văn bản lấy ý kiến của các ngành có liên quan. 5 năm qua, Đoàn đã tổ chức 11 cuộc giám sát, 13 cuộc khảo sát, nội dung tập trung vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề nổi cộm, bức xúc cử tri và nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp với 66 ý kiến chất vấn trực tiếp và bằng văn bản. Nhiệm kỳ qua, các đại biểu đã tiếp xúc cử tri 18 đợt với 144 cuộc ở 2.160 lượt xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trên 25.000 lượt cử tri tham dự; tiếp thu, tổng hợp 685 ý kiến, kiến nghị của cử tri; có 20 ban, bộ ngành, cơ quan trung ương với gần 400 công văn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào ở địa phương cũng như của cả nước.

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày