Thứ 7, 20/04/2024, 17:44[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân

Thứ 3, 20/04/2021 | 08:24:31
1,542 lượt xem
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình và các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đóng góp vào thành tựu chung của Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Công ty Tân Đệ. Ảnh tư liệu

Năm nay, ông Hà Văn Đệ, xã Tân Lập (Vũ Thư) đã bước sang tuổi 86 song vẫn luôn dõi theo các hoạt động của Quốc hội, nhất là của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Với ông, Quốc hội không chỉ là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng mà còn là nơi quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Ông Đệ cho biết: Qua theo dõi tôi thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng được nâng cao; Đoàn đã tiếp thu, chuyển tải đầy đủ ý kiến của cử tri tới Quốc hội; tích cực tham gia hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Kế thừa những kết quả của các thế hệ đi trước, để xứng đáng hơn với niềm tin của cử tri toàn tỉnh, thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ, hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu dân cử. 

Theo đồng chí Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ có số lượng luật được ban hành tương đối lớn, vì vậy việc tham gia ý kiến của Đoàn đối với các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đòi hỏi cao về chất lượng, về công sức và thời gian chuẩn bị. Nhiệm kỳ qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 33 buổi hội thảo lấy ý kiến góp ý vào 62 dự thảo luật. Với các dự thảo luật không thể tổ chức hội nghị do dịch Covid-19, Đoàn gửi văn bản lấy ý kiến của các ngành có liên quan. Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức khảo sát thực tiễn thi hành luật, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi để có cơ sở cho việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đoàn đã tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu của Đoàn tại kỳ họp. Vì vậy, tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, các ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn được Quốc hội, các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã giới thiệu, giải thích, trao đổi nội dung dự thảo luật, các luật đã ban hành mà cử tri quan tâm, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia gần 400 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ đóng góp vào tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng luật và quyết định những chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều ý kiến có chiều sâu, có minh chứng cụ thể, có căn cứ thuyết phục đã nói lên được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu như: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải pháp tháo gỡ các nút thắt, các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế địa phương; chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; áp dụng các tiến bộ khoa học sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... 

Ông Đào Tuấn Thanh, xã Phong Châu (Đông Hưng) phấn khởi cho biết: Tại kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu cả nước biểu quyết nhất trí và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có những điều chỉnh phù hợp về tiêu chí, về cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Điều đó không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn tạo động lực mới, khí thế mới để các địa phương huy động mọi nguồn lực nhanh chóng hoàn thành xây dựng NTM và tập trung xây dựng NTM nâng cao. Nhờ đó, diện mạo làng quê khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên, người dân tin tưởng vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện 11 cuộc giám sát, 13 cuộc khảo sát và giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội với 70 ý kiến chất vấn. Nội dung chủ yếu là: Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; các chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT... Thông qua hoạt động giám sát, khảo sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện được vai trò đại diện cho cử tri và nhân dân Thái Bình, góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây cũng là nền tảng quan trọng để nhiệm kỳ mới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục kế thừa, phát huy với nhiều đổi mới và thành công hơn nữa.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày