Chủ nhật, 08/12/2024, 09:45[GMT+7]

Chương trình hành động của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, Bộ KH & ĐT, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Thứ 3, 18/05/2021 | 20:59:13
7,476 lượt xem
Chương trình hành động của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đơn vị bầu cử số 2.

Họ và tên: Phan Đức Hiếu
Ngày tháng năm sinh: 19/5/1974
Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Video: ONG_PHAN_DUC_HIEU.mp4

Tôi rất vinh dự khi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và tại Thái Bình - quê hương nhiều truyền thống và thường được nhắc đến là địa danh: đoàn kết, quật cường, vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu anh dũng. Đây cũng vừa là trọng trách của tôi đối với quý cử tri.

Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội thì phương châm hành động của tôi như thế nào?

Quốc hội có các chức năng cơ bản là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội là người trực tiếp tham gia vào quyết định các vấn đề nêu trên.

Là cơ quan đại biểu của nhân dân. Đại biểu Quốc hội là cầu nối nhân dân với Quốc hội và phải giữ được mối liên lạc thường xuyên, nắm chắc được những nguyện vọng và ý kiến phản ánh lợi ích chính đáng của nhân dân. Quan trọng hơn đối với đại biểu Quốc hội là đưa được quyền và lợi ích chung của nhân dân phải được thể chế hóa vào các quyết sách của Quốc hội. Ngoài việc liên lạc phải được duy trì thường xuyên, liên tục và hơn nữa, tôi sẽ cùng sát cánh với cử tri của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Về chức năng của Quốc hội trong quyết định lập pháp, vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội, quan điểm của tôi khi đóng góp xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội sẽ dựa trên nguyên tắc sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế sẽ là một ưu tiên của đất nước nói chung và tỉnh, huyện nói riêng trong thời gian tới. Do đó, cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng cho doanh nghiệp nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập người lao động.

Thứ hai, phát triển kinh tế không chỉ là các con số mà là ở chất lượng tăng trưởng và lợi ích của sự tăng trưởng cho người dân và xã hội. Theo đó, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo theo nguyên tắc: không người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Về chức năng giám sát của Quốc hội, thứ nhất tôi sẽ tập trung vào các nội dung hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng hạ tầng xã hội. Một mặt chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát nhưng mặt khác cần phải có cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả và phát huy được tối đa lợi ích các nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Thứ hai, giám sát thực chính sách của Nhà nước, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội: gia đình chính sách, gia đình nghèo,... bảo đảm các chính sách về xã hội phải được thực thi đầy đủ, công bằng.

Với trách nhiệm trực tiếp trước cử tri của quê hương Thái Bình, tôi sẽ là một thành viên tích cực, trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ngoài ra với tư cách là chuyên gia kinh tế, tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, huyện và cơ quan có liên quan trong nghiên cứu, đề xuất và triển khai cơ chế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp của tỉnh; khai thác và phát huy thế mạnh, lợi thế và tiềm năng kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống người dân.

Thách thức và thuận lợi gì khi thực hiện nhiệm vụ nếu trúng cử đại biểu Quốc hội?
Tôi nhận thấy rằng nếu trúng cử đại biểu Quốc hội thì có những thách thức và thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.
Về thách thức, Thái Bình có quy mô nền kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước. Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sản xuất công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nặng về gia công và sản phẩm thông thường, chậm đổi mới công nghệ, thiết bị;  lĩnh vực du lịch chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đây sẽ là thách thức trong vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Tuy nhiên, Thái Bình có nhiều lợi thế. Khu kinh tế Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nếu xét về diện tích đứng thứ 6 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước. Thái Bình có tiềm năng sản xuất nông nghiệp trong tiềm năng nói chung của cả nước về xuất khẩu nông sản. Năm 2020 nước ta đã xuất khẩu 41,25 tỷ USD nông sản; gạo và rau quả đạt mức xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi mặt hàng. Ngoài ra, Thái Bình có lợi thế rõ ràng là truyền thống sản xuất giỏi của tỉnh. Thái Bình được mệnh danh là “quê hương 5 tấn” bởi năm 1965 tỉnh đầu tiên đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha. Theo trang thông tin của tỉnh, giai đoạn 1965 - 1975, Thái Bình đã cung cấp hơn một tấn thóc cho Nhà nước. Địa phương chỉ chiếm 5% diện tích canh tác ở miền Bắc nhưng đóng góp gần 12% lương thực cho quốc gia.

Cá nhân tôi là người có hơn 22 năm trong ngành kế hoạch và đầu tư; nghiên cứu và tham mưu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Chính phủ và địa phương. Trực tiếp soạn thảo nhiều chính sách về phát triển doanh nghiệp, đầu tư (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư). Tôi cũng là người được đào tạo cả về luật và kinh tế; được đào tạo tại Vương quốc Hà Lan - là một nước có nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Đây cũng là một thuận lợi cho tôi trong việc phối hợp chặt chẽ với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, sở, ngành, huyện và cơ quan có liên quan trong nghiên cứu, đề xuất và triển khai cơ chế đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp của tỉnh.

Một thuận lợi nữa là dự kiến nếu trúng cử là đại biểu Quốc hội chuyên trách (dự kiến công tác tại Ủy ban Kinh tế) thì đây cũng là điều kiện tốt để tôi có thể tập trung toàn bộ thời gian của mình cho hoạt động của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng.

Cuối cùng, xin chúc toàn bộ quý cử tri và nhân dân Thái Bình phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường: chiến đấu tốt, sản xuất giỏi - sẽ đạt “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày