Thứ 6, 10/01/2025, 04:46[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 3, 09/11/2021 | 17:42:23
1,958 lượt xem
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ hai, ngày 09/11, tại phiên thảo luận dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về các nội dung liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu thảo luận tại kỳ họp.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự nhất trí tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về việc thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu; các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; tăng trưởng kinh tế vùng; phát triển kinh tế biển; cơ cấu lại nền kinh tế; các chính sách vĩ mô; chính sách tín dụng; nợ xấu; đầu tư phát triển; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ, du lịch; thương mại, xuất nhập khẩu; doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh; giá cả, lạm phát.

Các ý kiến đề cập tới vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; bình đẳng giới; y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; lao động, việc làm, thu nhập; công tác dân tộc; giáo dục-đào tạo; khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; quản lý tài nguyên, đất đai, quy hoạch, phát triển đô thị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ứng dụng khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội...Nhiều ý kiến thảo luận về kết quả thu ngân sách nhà nước; cơ cấu ngân sách nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng hiện nay nhu cầu vào Việt Nam của các nhà đầu tư, của kiều bào ta ở nước ngoài là rất lớn vì vậy đại biểu đề nghị tiếp tục chủ động nguồn vắc-xin, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Để sớm nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách, đặc biệt đối với các hình thức vận tải công cộng, vận tải hàng hóa và vận tải hàng không; tuy nhiên mở cửa cũng phải nhất quán dựa trên khuyến cáo y khoa; cần có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19...

Đại biểu cũng nêu lên vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hiện nay số doanh nghiệp này đang phải chịu áp lực lớn, nguy cơ đóng cửa sẽ tăng mạnh. Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng,.. để hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tuy nhiên một số chính sách chưa đem lại hiệu quả tích cực. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm thuế, phí, giữ nguyên và kéo dài thời gian trả nợ,.. để tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp tự phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày