Thứ 7, 27/07/2024, 01:44[GMT+7]

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Linh hoạt, đổi mới và trách nhiệm

Thứ 2, 22/11/2021 | 08:30:49
646 lượt xem

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, ngày 13/11/2021. Ảnh: quochoi.vn

Theo quy định và thông lệ, ngay sau khi kết thúc kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành tiếp xúc cử tri trực tiếp tại từng huyện, thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quyết định không tổ chức tiếp xúc trực tiếp với cử tri mà tiến hành báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân phản ánh, đóng góp vào kết quả kỳ họp và những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội thông qua ủy ban MTTQ các cấp bằng văn bản. Báo Thái Bình đăng toàn văn báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình gửi tới cử tri và nhân dân toàn tỉnh.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sáng tạo, đổi mới, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ.

Thứ nhất, Quốc hội đã xem xét thông qua 2 dự án luật và 5 nghị quyết theo chương trình kỳ họp, đó là:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê: sửa đổi, bổ sung 2 điều, theo đó quy định rõ hơn về tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP, thẩm quyền việc đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê; đồng thời, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia từ 186 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phù hợp với tình hình thực tiễn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng. Luật sửa đổi, bổ sung 6 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và 1 điều của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến vào 5 dự án luật, đó là: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng sau:

1. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: Theo đó, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách đối với người có công, với các đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022: Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP). Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

3. Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định rõ quan điểm lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm tiền đề, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển rừng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

4. Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Quốc hội nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất không chỉ nhằm tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để phát triển đất nước.

5. Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, trong đó đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai có hiệu qủa nhằm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng, kéo dài...

Thứ ba, về giám sát tối cao:

1. Trong 2,5 ngày, Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ liên quan đến các vấn đề về chiến lược phòng, chống dịch, vắc-xin, quản lý giá xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đội ngũ cán bộ y tế; việc thực hiện các gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động, bảo vệ quyền trẻ em, công tác cứu trợ, thiện nguyện; bảo đảm chất lượng dạy và học, an toàn trường học, y tế học đường, tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc phân bổ, giao kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn. Các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, bất cập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, theo đó yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện.

2. Sau khi xem xét báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai thực hiện hiệu quả trên phạm vi cả nước; chủ động, khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.

3. Quốc hội xem xét báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020: Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia; đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp xử lý kết luận của thanh tra, kiểm tra; thực hiện quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả, tiếp tục sắp xếp lại bộ máy làm công tác bảo hiểm xã hội tinh gọn, hiệu quả.

4. Quốc hội đã xem xét báo cáo về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020: Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế theo thẩm quyền; khẩn trương rà soát để đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ duy trì và mở rộng đối tượng, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

5. Quốc hội đã xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021 và cho rằng: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

6. Về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: Quốc hội cho rằng công tác giải quyết kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành tập trung nghiên cứu giải quyết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống của nhân dân; nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo. Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri; giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế tối đa việc chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau...

Dự kỳ họp thứ hai, đợt 1 họp trực tuyến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự ở 3 điểm cầu: Các đại biểu Quốc hội hoạt động ở tỉnh tham dự tại điểm cầu của tỉnh, các đại biểu Quốc hội ở Trung ương tham dự tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, có đại biểu Quốc hội đang tăng cường vào Nam chống dịch Covid-19 tham dự với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Dù vậy, các đại biểu Quốc hội tỉnh vẫn tích cực chủ động trách nhiệm trong việc nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị chu đáo, công phu, thường xuyên trao đổi, thảo luận, tham vấn ý kiến của các thành viên trong Đoàn. Nét mới tại kỳ họp thứ hai là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã mời lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tham gia các phiên thảo luận tổ, để có thêm ý kiến chất lượng, thực tiễn góp ý hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo, tờ trình. Qua đó cũng tăng cường, mở rộng tính công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động của Quốc hội.
Kết quả qua 16 ngày tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia 64 lượt ý kiến phát biểu về các lĩnh vực như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng luật, chất vấn các thành viên của Chính phủ, trong đó có: 5 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 47 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 12 lượt ý kiến chất vấn và tranh luận trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ.

Nội dung các ý kiến phát biểu đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thiết thực góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo nội dung kỳ họp. Đồng thời cũng phản ánh được những kết quả, tình hình thực tiễn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đến Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương. Qua đó thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kính đề nghị cử tri và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về kỳ họp và kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Mọi ý kiến tham gia đóng góp gửi về ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn để tổng hợp gửi ủy ban MTTQ cấp trên theo quy định hoặc gửi trực tiếp bằng văn bản về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để Đoàn tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày