Thứ 5, 28/11/2024, 08:22[GMT+7]

Quốc hội thảo luận vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng

Thứ 6, 27/05/2022 | 17:18:26
11,180 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 8 chương, 96 điều, bố cục của một số chương, mục trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý để bảo đảm hợp lý, rõ ràng, dễ theo dõi hơn. Các vị đại biểu đã tham gia thảo luận tập trung về 08 nhóm điểm mới của dự thảo: 

a) Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; 

b) Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây; 

c) Đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu; 

d) Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; 

đ) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; 

e) Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; 

g) Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; 

h) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng. 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng quy định về các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở có tính tiếp nối, kế thừa, khen từ thấp đến cao, có quy định về tỷ lệ khen thưởng. Vô hình chung đã tạo tính hình thức cho thi đua, tập thể xây dựng lộ trình khen thưởng, cá nhân có sự "nhường nhau" để theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định này để khắc phục hạn chế mang tính chất "gối đầu" này; đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung và UBND cấp tỉnh quy định chi tiết phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để bảo đảm tính thống nhất, tương đối trên toàn quốc về danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu; rà soát, xem xét quy định cụ thể người ủy quyền trao tặng và cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng; cần có thêm quy định mang tính giải pháp để tập thể, cá nhân được khen thưởng phải có trách nhiệm trong phát huy thành tích đã được ghi nhận, làm lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình một cách xứng đáng để đạt được mục tiêu của thi đua khen thưởng; xem xét bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm để xử lý toàn diện đồng bộ. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm không chỉ thực hiện đối với cá nhân có hành vi vi phạm mà phải áp dụng đối với cả cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, luật sửa đổi cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Dự thảo Luật gồm 08 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như: Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; Về bảo hiểm bắt buộc; Về hợp đồng bảo hiểm; Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Về bảo hiểm vi mô; Về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Về sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; Về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày