Thứ 5, 28/11/2024, 08:42[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật

Thứ 3, 31/05/2022 | 17:35:07
15,786 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Đã có 18 lượt đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cho phiên thảo luận. Các ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm, tham gia rất nhiều nội dung của dự thảo. Đa số đánh giá cao công tác tiếp thu, chỉnh lý mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thời gian qua, từ kỳ họp thứ hai Quốc hội đến nay cũng như những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật, đặc biệt là đối với các vấn đề lớn như cơ chế về giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, vấn đề cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học công nghệ.

Các đại biểu cũng tán thành với vấn đề cần phải kiểm soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ trước hết cho lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được hưởng thụ những thành tựu từ phát triển khoa học, công nghệ. Qua đó đối với những thành tựu mà có hàm lượng trí tuệ cao thì có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để ứng dụng những kết quả nghiên cứu đó. Các vị đại biểu cũng nhất trí cao với việc không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và giữ như luật hiện hành. Thống nhất việc bổ sung vào khoản 2 điều 7 quy định liên quan đến vấn đề tổ chức, cá nhân thực thi quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng đây là một đạo luật rất phức tạp, mang tính chuyên môn sâu, vừa kết hợp yếu tố kinh tế, dân sự, vừa mang tính khoa học cao. Dự thảo luật đã được các cơ quan chuẩn bị tài liệu một cách công phu, nghiêm túc, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên gia, nhà khoa học và khảo sát thực tiễn. Đại biểu tham gia thêm về một số nội dung như: Quy định về khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng tại điểm e, khoản 1, điều 1 của dự thảo luật. Đại biểu cho rằng quy định như trong dự thảo "Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam" là phù hợp với quy định về 6 yếu tố của WIPO được khuyến nghị trước khi quyết định một nhãn hiệu nổi tiếng hay không nổi tiếng ở một nước thành viên. Tuy nhiên, việc dự thảo luật thay thế cụm từ "người tiêu dùng" của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bằng cụm từ "bộ phận công chúng có liên quan" khiến nội hàm của quy định này trở nên khó hiểu. Đề nghị rà soát lại việc giải thích nhãn hiệu nổi tiếng để  bảo đảm vừa phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; về quyền và nhiệm vụ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần phải tuân thủ theo quy định tại điều lệ hoạt động của tổ chức. Đề nghị bổ sung cụm từ "theo quy định tại điều lệ hoạt động của tổ chức". Việc bổ sung quy định như vậy cũng thống nhất với quy định về thu, chia tiền bản quyền quy định tại các quy định khác trong dự thảo luật.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày