Thứ 3, 07/01/2025, 06:44[GMT+7]

Quốc hội: Thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án công trình đường cao tốc

Thứ 6, 10/06/2022 | 17:26:42
12,839 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng ngày 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc phát triển đường cao tốc và thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế. Đồng thời với việc đổi mới trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc, đa mục tiêu. Thứ nhất đó là biện pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, là giải pháp trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước. Thứ hai sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như hiện nay. Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: Phạm vi và quy mô dự án, những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng; cân nhắc tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP; đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan; việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án…

Về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu. Về sự cấp thiết, các vị đại biểu nêu rõ, các dự án khi được triển khai đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế của đất nước. Giải quyết tình trạng quá tải của lưu lượng xe ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí về thời gian rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tuyến đường sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thông đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối, phát huy tối đa tiềm năng của từng địa phương. Các đại biểu cũng nêu thực tế tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn. Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các đại biểu cho biết hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án lớn. Đại biểu đề nghị cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công. Ngoài ra, các vị đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung như: sự phù hợp của dự án quy hoạch; kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương; các cơ chế, chính sách của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp tục điều hành phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu và thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

 Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày