Thứ 3, 31/12/2024, 06:29[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 7, 22/10/2022 | 18:16:41
7,245 lượt xem
Sáng ngày 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý) và việc Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 15, gồm các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đều đánh giá cho rằng, nội dung Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ các bộ, ngành, các địa phương. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, khó khăn hơn cả dự báo, tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, đoàn thể đều nỗ lực ngoại giao vaccine, sự đóng góp cho quỹ vaccine của các cá nhân, doanh nghiệp…Qua đó cho thấy, giúp đất nước vượt qua đại dịch và phục hồi không phải là việc riêng của Chính phủ, ở đây có sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức kinh tế thế giới đã có sự thay đổi trong đánh giá khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam. Trong khi thế giới lạm phát, Việt Nam ổn định; trong khi kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng Việt Nam tăng trưởng cao vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Những kết quả về kinh tế- xã hội đạt được trong 9 tháng vừa qua là điểm sáng hết sức phấn khởi. Thành công về kinh tế-xã hội 9 tháng qua là sự cố gắng, nỗ lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù những kết quả khả quan đạt được rất đáng phấn khởi nhưng không nên vội hài lòng và chủ quan bởi trong thời gian tới, tình hình thế giới năm dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen những khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cho rằng, các doanh nghiệp là nguồn lực then chốt cho phát triển nền kinh tế, các đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp; lý giải thật cụ thể nguyên nhân số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, số doanh nghiệp giải thể và rút khỏi thị trường đều khá lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã tạm ổn như hiện nay. Đồng thời cũng cần biểu dương sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, kết quả tích cực như trên của kinh tế, xã hội có sự đóng góp trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp trong kết quả chung, bên cạnh nỗ lực của các ngành, các cấp. Đặc biệt là khi doanh nghiệp cũng trải rất nhiều khó khăn, vất vả trong 2 năm qua. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn do áp lực giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất…Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên phân tích rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, xem khó khăn nằm ở lĩnh vực nào và những khó khăn chủ yếu là gì. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp xử lý được những hạn chế, tồn tại nhiều năm, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia, việc huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực đầu tư công, hiệu quả điều hành một số lĩnh vực còn hạn chế và nhiều vấn đề mới nổi lên chưa được khắc phục hiệu quả nhưng các vấn đề liên quan đến xăng dầu, y tế, giáo dục,…

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày