Chủ nhật, 12/05/2024, 21:17[GMT+7]

Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Giám sát việc sử dụng một số nguồn vốn

Thứ 4, 08/05/2013 | 19:12:33
1,145 lượt xem
Ngày 8/5, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Sở Công Thương về việc sử dụng vốn khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2000 - 2012 và tình hình thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến thương trên địa bàn tỉnh.

Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công Thương. Ảnh: Hà Anh

* Sáng ngày 8/5, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) về việc sử dụng vốn khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2000 - 2012 và tình hình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT, giai đoạn 2000 - 2012, các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư đã chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân; chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức  khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất cho nông dân được chú trọng với 950 lớp tập huấn và 95 nghìn người tham gia. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác này trong 3 năm qua là trên 4.400 triệu đồng .Tổng số các mô hình trình diễn được thực hiện là 132 mô hình, trong đó có 55 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 9 mô hình chăn nuôi và 68 mô hình thủy sản .

Việc xây dựng và ban hành các văn bản, nội dung quy định thực hiện đề án "Tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịnh bệnh trên gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình" tuân thủ đúng quy định. Các nội dung về cơ chế chính sách khi triển khai đã được các sở, ngành liên quan cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện. Các giải pháp chuyên môn được triển khai đồng bộ, nhiều nội dung phát huy tính chủ động, mang hiệu quả kinh tế, xã hội  cao. Tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc các bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh đạt trên 80%.

Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của các đại biểu xung quanh các nội dung: kết quả chuyển giao mô hình khuyến nông sau khi rút vốn đầu tư của Nhà nước; kinh phí thực hiện; xây dựng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở; việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua…, đồng chí Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị ngành NN & PTNT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về khuyến nông, khuyến ngư. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ, lưu ý thông tin, cảnh báo kịp thời. Các ngành liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi để triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các mô hình đúng mục đích, hiệu quả. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện mô hình cũng như duy trì việc chuyển giao, mở rộng ứng dụng các mô hình cho hiệu quả cao; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

* Chiều cùng ngày, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Công Thương về tình hình thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến thương trên địa bàn tỉnh.

Từ nguồn kinh phí khuyến công, ba năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 68 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển giao công nghệ và đào tạo giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, giúp cho nhiều doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Công tác khuyến thương luôn được chú trọng, các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vốn khuyến công, khuyến thương còn có những vấn đề vướng mắc, tồn tại. Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả; công tác phối hợp giữa các sở, địa phương trong sử dụng vốn còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án chậm; nguồn ngân sách dùng cho khuyến công, khuyến thương còn ít, chưa có nguồn kinh phí lớn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp, thương mại hoạt động để đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Đoàn giám sát quan tâm làm rõ tình hình sử dụng vốn khuyến công, khuyến thương gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; kết quả xây dựng các mô hình, điển hình sử dụng hiệu quả vốn; tình hình triển khai vốn trong thực hiện chủ trương gắn sản xuất với tiêu thụ; trong thực hiện đề án giết mổ gia súc gia cầm; vấn đề xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản nói chung và thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh nói riêng; công tác phối hợp giữa các sở trong thực hiện khuyến công….

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đàm Văn Vượng ghi nhận một số kết quả trong thực hiện vốn khuyến công, khuyến thương và chỉ ra một số hạn chế cần tập trung khắc phục. Đồng chí cho rằng thực hiện vốn khuyến công còn dàn trải, khuyến thương còn bất hợp lý; mất cân đối trong phân bổ vốn, trong đó vốn dành cho đào tạo nghề quá nhiều; công tác phối hợp chưa thực sự hiệu quả, thủ tục hành chính còn những vướng mắc; chưa phát huy vai trò của khuyến công viên… và đề nghị Sở Công Thương tập trung khắc phục để việc sử dụng vốn khuyến công, khuyến thương ngày càng hiệu quả.

Mai Thư - Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày