Chủ nhật, 12/05/2024, 19:33[GMT+7]

Vai trò của thông tin tuyên truyền trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh

Thứ 2, 10/06/2013 | 08:46:19
1,308 lượt xem
Thông tin tuyên truyền đóng vai trò quan trọng  và là cơ sở, điều kiện cần thiết góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thực hiện kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, hoạt động TTTT trong công tác giám sát luôn được Thường trực HĐND tỉnh coi trọng và chú trọng thực hiện.

Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác di dân từ vùng xung yếu ngoài đê về nơi ở mới tại xã Đông Long (Tiền Hải).

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá của cơ quan dân cử đối với việc thực thi pháp luật, nghị quyết  của HĐND tỉnh và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của đại biểu dân cử và của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh. Thực hiện đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung, hoạt động giám sát nói riêng, những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh luôn coi trọng công tác thông tin tuyên truyền (TTTT) trong quá trình thực hiện chức năng giám sát nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

 

Thực tế chứng minh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các ban và đại biểu HĐND tỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như yêu cầu, nội dung, hình thức và phương pháp giám sát; trình độ, năng lực của người giám sát và việc thu thập, cung cấp, xử lý thông tin phục vụ giám sát… Trong đó, công tác thu thập và cung cấp thông tin liên quan để xây dựng kế hoạch giám sát, cung cấp thông tin cho các thành viên đoàn giám sát, cho đơn vị chịu sự giám sát và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, thực hiện kiến nghị sau giám sát... Nếu bước đầu thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác về đối tượng chịu sự giám sát thì chủ thể thực hiện quyền giám sát không thể đề ra được mục đích cho hoạt động của mình và ngược lại.

 

Trước khi xây dựng kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh tiến hành thu thập thông tin về những lĩnh vực, nội dung cần giám sát bằng nhiều hình thức khác nhau như: yêu cầu các ban HĐND tỉnh đề xuất những vấn đề, nội dung quan trọng, bức xúc thuộc lĩnh vực phụ trách, cần tiến hành giám sát; chỉ đạo Văn phòng tổng hợp những vấn đề bức xúc được cử tri của nhiều địa phương quan tâm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những vấn đề tồn tại đã được phát hiện cần phải khắc phục qua công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh chọn lọc và trình HĐND tỉnh quyết định chương trình, kế hoạch giám sát năm sau tại kỳ họp cuối năm. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh ban hành kế hoạch giám sát với đề cương giám sát được xây dựng chi tiết, gửi cho các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo và giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội – HĐND tỉnh đôn đốc việc gửi báo cáo theo nội dung đề cương và thời gian yêu cầu. Đồng thời, cung cấp cho các thành viên đoàn giám sát các văn bản có liên quan về chức năng, nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát; các quy định của pháp luật và thông tin, dư luận từ nhân dân; phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến nội dung giám sát; các báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát gửi đến các thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và rút ra những vấn đề cần được làm rõ trong quá trình giám sát trực tiếp. Những thông tin thu nhận được trong giai đoạn này sẽ giúp cho đoàn giám sát của HĐND tỉnh xác định được những vấn đề cần làm rõ để có phương thức giám sát phù hợp.

 

Trong quá trình giám sát, phương pháp thu thập, xử lý thông tin được tiến hành theo các cách thức: Đoàn giám sát nghe đại diện chủ thể được giám sát báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành và những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền. Đoàn giám sát cũng tiến hành giám sát thực tế để lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân về các mặt còn tồn tại, hạn chế có liên quan đến nội dung giám sát, sau đó làm việc với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và các kiến nghị, đề xuất về nội dung giám sát. Trong giai đoạn này, những thông tin, số liệu thu thập được sẽ phản ánh trung thực nhất thực tế hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát, những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, hoặc những khó khăn khi triển khai thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó gắn với những đề xuất, kiến nghị cụ thể.

 

Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc quan tâm giải quyết kịp thời các kiến nghị của đoàn giám sát, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, giao cho các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để đôn đốc việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

 

Thông qua hoạt động giám sát cũng như các hình thức thông tin khác, HĐND tỉnh thu thập ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và của đông đảo cử tri, nhân dân trong tỉnh về những hạn chế, tồn tại và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh có những ý kiến phản biện, làm rõ vấn đề tại các kỳ họp, từ đó HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết kịp thời và sát đúng với tình hình thực tế của địa phương, hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp trong phạm vi thẩm quyền.

 

Do coi trọng công tác TTTT trong quá trình xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức giám sát và thực hiện kết luận giám sát, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả. HĐND tỉnh đã kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thể chế và thực hiện các nghị quyết, để nghị quyết phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Điển hình là các cuộc giám sát thực hiện nghị quyết về phê duyệt chính sách hỗ trợ các hộ gia đình di chuyển chỗ ở từ vùng xung yếu ngoài đê vào khu tái định cư của hai xã Đông Long (huyện Tiền Hải) và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ); giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến thương, khuyến nông, khuyến ngư và hiệu quả của việc sử dụng vốn khuyến công, khuyến thương, khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến năm 2012; về dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm... Kết quả giám sát không chỉ bảo đảm  nghị quyết được triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi mà còn góp phần tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Có thể khẳng định, TTTT đóng vai trò quan trọng  và là cơ sở, điều kiện cần thiết góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thực hiện kiến nghị sau giám sát. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hoạt động TTTT trong công tác giám sát luôn được Thường trực HĐND tỉnh coi trọng và chú trọng thực hiện.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày