Thứ 6, 17/05/2024, 12:14[GMT+7]

Dấu ấn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

Chủ nhật, 03/12/2023 | 22:07:30
1,198 lượt xem
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia tích cực, hiệu quả vào các nội dung, chương trình nghị sự, góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ngay sau kỳ họp, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia biểu quyết tại phiên họp.

Phóng viên: Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của kỳ họp?

Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với tinh thần “trách nhiệm, công tâm, khách quan”; ghi dấu ấn với nhiều điểm mới trên cả 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Cụ thể: Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phóng viên: Kỳ họp tiếp tục có những đổi mới cả về cách thức tổ chức và nội dung chương trình. Những đổi mới đó là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Là kỳ họp cuối năm và diễn ra giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng, có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung, đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao. Trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, những nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Công tác điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức khoa học, tập trung vào các vấn then chốt, cốt lõi đồng thời cũng hết sức linh hoạt để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được bày tỏ ý kiến tại hội trường. Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật của kỳ họp là công tác thông tin, tuyên truyền rất khách quan, kịp thời.

Điểm nổi bật trong toàn bộ kỳ họp đó là không khí làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao, thể hiện quyết tâm nhất quán của Quốc hội trong đồng hành cùng Chính phủ, đổi mới vì sự phát triển, kiến tạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng các ý kiến, nội dung phát biểu, thảo luận, kể cả thảo luận tổ cũng như thảo luận tại hội trường.

Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động chất vấn luôn được cải tiến, đổi mới. Tại kỳ họp thứ sáu, hoạt động này tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hình thức giám sát trực tiếp tối cao của Quốc hội. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn. Do đó, điều cử tri mong đợi là Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Tại nghị trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã ghi dấu ấn đậm nét, góp phần vào thành công của kỳ họp. Những dấu ấn đó là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia đóng góp 50 lượt ý kiến về các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trong đó có 15 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 32 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 3 lượt đại biểu chất vấn trực tiếp đối với các thành viên Chính phủ. Nội dung các ý kiến đều phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu thể hiện trong các luật, nghị quyết được thông qua, như: kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm; kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiến nghị các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nhà ở; kiến nghị về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Phóng viên: Kỳ họp đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có chương trình, kế hoạch gì để đưa những quyết sách đó sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, linh hoạt việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao như công tác giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri..., Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực quán triệt, tuyên truyền việc triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp. Thực hiện ngay hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp để báo cáo cử tri kết quả kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng hành cùng các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu hiền
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày