Thứ 3, 24/12/2024, 08:29[GMT+7]

Thảo luận tổ: Trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn

Thứ 5, 07/12/2023 | 13:56:55
13,540 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, sáng ngày 7/12, HĐND tỉnh chia tổ 8 thảo luận để các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.

Thảo luận tại Tổ Kiến Xương.

Video: 071223-th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_t%E1%BB%95_th%E1%BA%B3ng_th%E1%BA%AFn_tr%C3%A1ch_nhi%E1%BB%87m.mp4?_t=1701957498

 

Đại biểu Tổ thành phố tham gia thảo luận.

Thảo luận tại Tổ Vũ Thư.

Thảo luận tại Tổ Hưng Hà.

Thảo luận tại Tổ Thái Thụy.

Thảo luận tại Tổ Tiền Hải.

Thảo luận tại Tổ Đông Hưng.

Đại biểu Tổ Quỳnh Phụ tham gia thảo luận.

Không khí thảo luận tổ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện  thuận lợi tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. 

Đại biểu cũng thống nhất với 10 kết quả nổi bật và những nhận định, đánh giá trong các báo cáo của UBND tỉnh, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024. 

Các đại biểu kiến nghị: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên việc tuyên truyền, triển khai, tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở chưa sâu rộng đến người dân, hiệu quả chưa đạt yêu cầu đề ra; vì vậy cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện để các chủ trương, cơ chế chính sách lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống, đạt hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện hiệu quả chương trình “thắp sáng đường quê”, mỗi xã một sản phẩm OCOP và cơ chế hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành. Tích cực thực hiện đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch, chương trình phát triển du lịch nông thôn, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới văn minh…

Lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gõ khó khăn vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phát triển công nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý sử dụng đất đai, xử lý dứt điểm các tồn tại, không để phát sinh các vi phạm mới, nhất là các điểm nóng về môi trường; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải gây ô nhiễm môi trường; có giải pháp tăng cường quản lý, thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ, các đại biểu đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư xây dựng và hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong Khu kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều ngân sách cho Nhà nước. Tập trung hoàn thiện khu xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm; đồng thời bố trí kinh phí nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, các tuyến đê, kè xuống cấp… tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, phục vụ tốt cuộc sống của người dân. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ cấu lại sản xuất, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư để tiếp cận với thị trường thế giới. Kiểm soát tốt thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hành giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ người tiêu dùng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu đề nghị quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm số lượng, chất lượng; có biện pháp quản lý các công ty giáo dục, trung tâm giáo dục kỹ năng sống tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định; chấm dứt tình trạng bạo lực học đường; đẩy nhanh tiến độ đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực; có giải pháp đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ bảo đảm chất lượng và có chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại địa phương; tăng cường nguồn lực bảo tồn các di sản, di tích lịch sử, quảng bá các lễ hội gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh…

Về lĩnh vực nội vụ, quốc phòng, an ninh, các đại biểu kiến nghị các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những bức xúc phát sinh ngay từ cơ sở không để hình thành điểm nóng, tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường tiếp công dân, đối thoại với người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các giải pháp giải quyết hiệu quả thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ  người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tăng cường các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.

Các đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh tại các phiên họp; tăng cường khảo sát, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương sẽ được tiếp thu, tổng hợp báo cáo tại phiên họp HĐND tỉnh chiều ngày 7/12

Ông Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh

Tôi hoàn toàn nhất trí với các đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 trình tại kỳ họp. Trong đó đã nhấn mạnh về một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của cả nước; thu ngân sách (nội địa) giữ mức trên 10.000 tỷ đồng; tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng để quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI có sự phát triển vượt bậc so với những năm trước... Tuy nhiên theo tôi báo cáo cũng cần phải chỉ rõ thêm về một số mặt còn hạn chế để đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm, nhất là những bất cập trong công tác xử lý rác thải, chất lượng nước sạch, việc nắm tình hình, bám sát địa bàn, giải quyết kịp thời những vấn đề ở cơ sở còn cần phải rút kinh nghiệm. Nhiệm vụ trong những năm tới hết sức nặng nề, theo tôi các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, nỗ lực, tích cực phấn đấu tận dụng tốt tiềm năng, cơ hội, lợi thế; đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về  hỗ trợ tập trung đất đai, mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri cũng kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân chính là  việc tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết ở một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở chưa thực sự sâu rộng đến được với người dân, hiệu quả chưa đạt yêu cầu. Trong điều kiện bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của Thái Bình thấp, lại thiếu lao động trong sản xuất thì muốn phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn cần phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tổ chức liên kết sản xuất tạo ra vùng quy mô lớn, mang lại giá trị gia tăng cao. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các HTX phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức cho người nông dân, từ đó tổ chức thực hiện hiệu quả. Quá trình thực hiện, ngành nông nghiệp sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, nâng cao hiệu quả, giá trị thu nhập cho người nông dân.

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế của tỉnh vẫn phát triển ổn định, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, những năm qua, nhiều dự án giao thông đã được quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp tương đối đồng bộ. Nhiều tuyến đường quan trọng mang tính chất kết nối vùng, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư về tỉnh như đường cao tốc CT.08, các tuyến đường trong khu kinh tế, tuyến đường bộ ven biển đã được triển khai. Do đó tôi mong muốn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về tầm quan trọng của các tuyến đường để phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Hi vọng trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để các dự án sớm đi vào khai thác sử dụng hiệu quả. Cùng với phát triển hệ thống đường bộ, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống đường thủy nội địa để xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Tôi mong muốn HĐND tỉnh nên có nghị quyết về việc phân loại, xử lý rác thải, ban hành cơ chế chính sách xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù lĩnh vực này là trụ cột của nền kinh tế nhưng sự quan tâm còn hạn chế, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Ngoài ra theo tôi cần phải đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở một số huyện có điều kiện thuận lợi. Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, mặc dù có rất nhiều đề tài chất lượng tốt nhưng trên thực tế chưa triển khai nhân rộng, do đó UBND tỉnh cần phải chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện ứng dụng các đề tài vào thực tế. Ngoài ra theo tôi chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay còn thấp, đòi hỏi ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành giáo dục và đào tạo cần có định hướng về vấn đề này để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Lê Bá Quyến, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình

Thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã  được đầu tư nhiều nguồn lực để nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; đồng thời phối hợp với các địa phương di chuyển một số cột điện khi thực hiện các dự án, công trình xây dựng, tuy nhiên do khối lượng cột điện dịch chuyển nhiều và không nằm trong hạng mục đầu tư của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nên  việc bố trí nguồn vốn để thực hiện gặp nhiều khó khăn và rất khó thực hiện. Ngành điện đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương khi đầu tư xây dựng các công trình, dự án cần lập phương án cụ thể, đưa hạng mục di chuyển cột điện vào phương án hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, ngành điện cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình khảo sát, lập phương án di chuyển. Ngoài ra, khi chưa thực hiện được việc di dời, các địa phương và các chủ đầu tư cần có phương án bố trí biển báo tạm thời và hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp vào ban đêm tại các điểm có cột điện chưa di dời được để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Đỗ Mạnh Viết, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư

Tôi thống nhất cao với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024. Tuy nhiên theo tôi để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 cần sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đối với từng ngành, từng lĩnh vực cần có rà soát, đánh giá cụ thể kết quả đạt được, những khó khăn, từ đó đầu tư phát triển một cách bài bản, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó cần xây dựng các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng liên kết vùng, tạo thuận lợi bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương. Cùng với đó, các địa phương chú trọng quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín và công nghệ hiện đại, tạo việc làm cho nhiều lao động. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. 

Nguyễn Hình – Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày