Chủ nhật, 28/04/2024, 03:36[GMT+7]

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị được làm rõ Bài 1: Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 25/12/2023 | 09:04:27
1,612 lượt xem
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII được tổ chức từ ngày 5 - 8/12 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân. Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, thủ trưởng các sở, ngành đã trả lời thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, nhất là những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực ngành quản lý, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Vùng lúa liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tại xã Vũ Hòa (Kiến Xương).

Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Đặng Văn Đằng (tổ Quỳnh Phụ) chất vấn đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nội dung: Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 40 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết này đến nay như thế nào, đã có bao nhiêu mô hình liên kết sản xuất được hỗ trợ, đánh giá hiệu quả, tác động của Nghị quyết đến sản xuất nông nghiệp hiện nay? 

Vùng liên kết sản xuất bắp cải tại xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ).

Liên kết sản xuất - nhiều lợi ích 

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; ban hành quyết định phê duyệt danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, Sở đã phối hợp ban hành hướng dẫn liên ngành về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. 3 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức 9 lớp tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ cho 1.500 người là đại diện doanh nghiệp, HTX, đại điền trên địa bàn toàn tỉnh; 250 lớp lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và cơ chế, chính sách cho trên 18.000 lượt người dân sản xuất nông nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Sở và các huyện, thành phố cũng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai, phổ biến và làm rõ điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ và cách làm đối với cơ chế, chính sách liên kết. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 dự án liên kết đề nghị hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 40. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt 1 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Đài thơm 8 của Công ty TNHH Hưng Cúc với quy mô 100ha tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), thời gian thực hiện 3 năm với số tiền hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Trong tháng 12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt 3 dự án liên kết của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, thực hiện trong 3 năm gồm: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản nếp A Sào với quy mô 100ha ở xã Đông Long (Tiền Hải) với số tiền hỗ trợ 1,7 tỷ đồng; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao TBR39 với quy mô 100ha ở xã Đông Quý (Tiền Hải) với số tiền hỗ trợ 1,8 tỷ đồng; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng TBR225 với quy mô 100ha ở xã Thái Thịnh (Thái Thụy) với số tiền hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng. 

Về hiệu quả, tác động của mô hình, theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Doanh nghiệp tham gia liên kết có vùng nguyên liệu ổn định, năng suất, chất lượng được bảo đảm do cùng thực hiện một quy trình sản xuất, cùng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Hưng Cúc cũng đã thu mua gần 900 tấn thóc theo dự án liên kết để chế biến, xuất khẩu. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã tham gia thực hiện tốt các khâu dịch vụ như chỉ đạo sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, phối hợp cùng doanh nghiệp thu mua nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho cán bộ thôn, HTX và bổ sung quỹ cho HTX. Nông dân tích cực tham gia liên kết, không tính chi phí giống, phân bón được hỗ trợ theo quy định thì các hộ tham gia liên kết có thu nhập cao hơn 30% so với các hộ không tham gia do năng suất và thóc bán cho doanh nghiệp với giá cao, ổn định hơn. 

Mới có 1 mô hình liên kết được hỗ trợ theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh 

Về tác động của Nghị quyết đến sản xuất nông nghiệp, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như: liên kết, tiêu thụ sản phẩm 5.500ha lúa, 500ha rau màu và có thêm một số mô hình liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Các mô hình liên kết trên do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định nên chưa được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh. Đến nay, mới chỉ có 1 dự án liên kết được phê duyệt, đã và đang phát huy hiệu quả, được cán bộ và người dân phấn khởi, đồng tình hưởng ứng, được nhân rộng lên 300ha từ vụ xuân năm 2024 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, dự án liên kết trên mới chỉ dừng lại ở một địa phương, vì vậy tác động của Nghị quyết số 40 đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh là chưa lớn, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính là do diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, diện tích đất bình quân trên đầu người thấp; số hộ trên vùng liên kết lớn gây khó khăn cho việc vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia liên kết. 3 năm qua, trong bối cảnh phải tập trung cao cho công tác phòng, chống và phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân chưa quyết liệt triển khai thực hiện. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên đầu tư vào liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bị hạn chế. 

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế. Vai trò của HTX, doanh nghiệp trong liên kết là rất quan trọng, tuy nhiên một số hợp tác xã, doanh nghiệp chưa nắm rõ được nội dung cơ chế, chính sách, hoặc chần chừ, băn khoăn vì quyền lợi chưa đi đôi với trách nhiệm với nông dân nên không triển khai thực hiện. Công tác xúc tiến đầu tư, vận động doanh nghiệp đầu tư liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết của các cấp, các ngành, địa phương chưa thường xuyên, liên tục. 

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nông dân, nhiều tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ những cơ chế, chính sách, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các HTX phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức cho nông dân trong liên kết, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Quá trình thực hiện, ngành nông nghiệp sẵn sàng tham gia hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, nâng cao hiệu quả, giá trị thu nhập cho nông dân. 

Đã có cơ chế hỗ trợ thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Văn Đằng về việc nhiều địa phương trong cả nước hiện đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc trừ sâu vừa giảm chi phí sản xuất vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân, Sở có giải pháp gì tham mưu với HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, tổ chức mua thiết bị bay phun thuốc trừ sâu trong thời gian tới, đồng chí Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp từng bước được hình thành, nhân rộng. Năm 2023, nông dân trong tỉnh đã ứng dụng thiết bị bay không người lái để chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh trên lúa đạt gần 20.000ha, chiếm 13,4% tổng diện tích, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh. Từ thực tiễn trên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08, ngày 12/7/2023 ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết bị bay không người lái cho HTX. Theo đó, khoản 5, Điều 10 Nghị quyết số 08 quy định: HTX thành lập mới theo Luật Hợp tác xã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, có quy mô diện tích đất sản xuất tối thiểu 150ha (trong đó có ít nhất 1 vùng sản xuất tập trung có diện tích đất tích tụ, tập trung liền mảnh tối thiểu 20ha) được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/1 HTX. Các loại máy, thiết bị được hỗ trợ gồm: máy làm đất đa năng công suất từ 40CV trở lên, máy xay xát lúa gạo liên hoàn, thiết bị dây chuyền đóng gói sản phẩm, thiết bị cuốn rơm rạ, silo chứa lúa gạo từ 60 tấn trở lên, thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, máy nâng, xe cẩu tự hành phục vụ thu hoạch sản phẩm. 

Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh sử dụng thiết bị bay không người lái bón phân kết hợp phun thuốc trừ sâu cho đồng ruộng.

Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị bay không người lái phải có điều kiện và bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc gồm: Phải đăng ký và được Bộ Quốc phòng cấp phép, chịu sự quản lý, giám sát bởi Bộ CHQS tỉnh và ban CHQS các huyện, thành phố; bảo đảm nguyên tắc an ninh trật tự, an toàn xã hội. Khi sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật còn phải tuân thủ nghiêm các quy định tại TCCS 830:2022/BVTV của Cục Bảo vệ thực vật, bao gồm: chủng loại thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu an toàn vận hành thiết bị bay không người lái. Các cá nhân có nhu cầu thụ hưởng chính sách hỗ trợ thiết bị bay không người lái phải tham gia vào HTX, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Hướng dẫn liên ngành số 01/HD-LN, ngày 12/9/2023 trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Mạnh Cường - Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày