Chủ nhật, 28/04/2024, 10:22[GMT+7]

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị được làm rõ Bài 6: Tiếp tục siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm

Thứ 7, 30/12/2023 | 07:30:58
5,482 lượt xem
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII, vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục được đưa ra tại phiên thảo luận tổ, chất vấn. Trong đó, đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) đã chất vấn đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nội dung: Tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII, sau khi nghe đồng chí trả lời chất vấn về tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các giải pháp giải quyết tình trạng dạy văn hóa tại một số trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống, tôi thấy đã có sự chuyển biến tại một số địa phương. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm đã chuyển hướng sang một số hình thức khác như: chuyển địa điểm dạy thêm thường xuyên, dạy văn hóa tại một số trung tâm ngoại ngữ... Đồng chí cho biết trách nhiệm của ngành, giải pháp trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng trên nhằm ổn định tâm lý cho phụ huynh, học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình).

Toàn tỉnh có 90 trung tâm ngoại ngữ, 14 trung tâm giáo dục kỹ năng sống

Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh cần đặt trong bối cảnh chung của toàn quốc, mà trước hết chúng ta cần định vị chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh Thái Bình so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phổ điểm trung bình chung của Thái Bình xếp thứ 15, tổng số học sinh đạt điểm 10 xếp thứ 11; tỷ lệ học sinh đạt điểm cao (từ 7 điểm trở lên) nằm trong tốp cao so với toàn quốc. Số học sinh đỗ vào các trường đại học là 12.120 em (chiếm 62% số học sinh đăng ký dự tuyển), nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học có uy tín. Thái Bình là tỉnh thứ 7 được công nhận phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (mức cao nhất của phổ cập giáo dục THCS). Để có được chất lượng giáo dục ổn định ở tốp cao của cả nước trong bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh không có nhiều thuận lợi là sự cố gắng nỗ lực của người học, của các thầy cô giáo, sự đồng hành của các bậc cha mẹ học sinh; sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của toàn xã hội và công tác giáo dục trong, ngoài nhà trường. Trong đó, cần ghi nhận một cách khách quan vai trò và sự tác động giáo dục ngoài nhà trường vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tính đến ngày 30/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 90 trung tâm ngoại ngữ, 14 trung tâm giáo dục kỹ năng sống đang hoạt động, chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Thái Bình và thị trấn của các huyện. Chất lượng giáo dục của các trung tâm được xã hội ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh cho học sinh và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh. Cùng với đó, kỹ năng sống của học sinh cũng có chuyển biến tích cực. Đa số các trung tâm chỉ tổ chức hoạt động tại địa điểm đã đăng ký, một số trung tâm còn phối hợp với các cơ sở giáo dục khác triển khai các chương trình: làm quen với Tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo, Tiếng Anh tăng cường, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh tại các cơ sở giáo dục... Hầu hết các trung tâm đều triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng như: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại; bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tổ chức lựa chọn, biên soạn, thực hiện chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với người học;  bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người học tại trung tâm; xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng sống; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, chú trọng phát triển các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp.., được đa số học viên, cha mẹ học viên hài lòng về chất lượng giáo dục.

Tiếp tục giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về dạy thêm, học thêm

Tuy nhiên, theo phản ánh từ dư luận xã hội vẫn còn một số doanh nghiệp sử dụng địa điểm hoạt động của trung tâm chung với cơ sở dạy thêm, học thêm gây khó khăn cho công tác quản lý và bức xúc trong nhân dân về việc tổ chức dạy thêm, học thêm núp bóng, biến tướng. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tăng cường rà soát quy trình, thủ tục, hồ sơ cho phép thành lập, hoạt động của các trung tâm; ban hành các văn bản hướng dẫn dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm và hoạt động của các trung tâm trên địa bàn; tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát đột xuất hoạt động dạy học của các trung tâm, trong đó chú trọng kiểm tra về công tác tuyển sinh, chương trình, giáo trình, tài liệu sử dụng; giáo viên tham gia giảng dạy... nhằm kịp thời phát hiện các trung tâm, cán bộ, giáo viên có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời xử lý vi phạm của một số trung tâm, yêu cầu trung tâm cam kết không tái phạm, cơ sở giáo dục có hình thức xử lý đối với những giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục ở các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống bảo đảm đúng quy định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 90 trung tâm ngoại ngữ.

Trước hết, chỉ đạo thực hiện nghiêm văn bản số 6759 ngày 4/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; kịp thời chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có quy định cụ thể, cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm mục đích tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, bảo đảm chất lượng theo đúng nhu cầu thực của người học: được học giáo viên giỏi; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt; không có hiện tượng tiêu cực, đồng thời có hành lang pháp lý để quản lý, chế tài. Cấm hoàn toàn việc dạy thêm ở bậc tiểu học dưới mọi hình thức. Đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; quản lý các trung tâm giáo dục thường xuyên ngoài nhà trường trên địa bàn cho phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố và chính quyền địa phương. Đề cao vai trò của thủ trưởng các cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định trong nhà trường và giáo viên của nhà trường vi phạm các quy định dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trung tâm vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động.

Để làm rõ hơn nội dung đại biểu chất vấn, cùng với phần trả lời của đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu đồng chí Nguyễn Ngọc Dư, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu về kết quả việc giám sát công tác quản lý dạy thêm, học thêm; đồng chí Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình phát biểu về công tác quản lý về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII đã chất vấn về nội dung này, yêu cầu ngành chuyên môn, các huyện, thành phố vào cuộc chấn chỉnh nên đã tạm lắng một thời gian. Tuy nhiên thời gian qua, dạy thêm, học thêm lại chuyển hướng sang một số hình thức khác, tinh vi hơn. Vì vậy, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng trường học trên địa bàn quán triệt nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm và yêu cầu thực hiện nghiêm túc, ký cam kết không vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các giáo viên vi phạm, các cơ sở hoạt động không có giấy phép, sai quy định về dạy thêm, học thêm. Thời gian tới, HĐND tỉnh cùng với các tổ đại biểu sẽ tiếp tục giám sát về dạy thêm, học thêm đến khi nào báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo của các ngành, tiếp xúc cử tri không còn ý kiến về dạy thêm, học thêm trái quy định.

Mạnh Cường - Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày