Thứ 6, 02/08/2024, 21:21[GMT+7]

Giám sát chuyên đề Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn khuyến

Thứ 4, 31/07/2013 | 08:59:47
1,744 lượt xem
Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn khuyến (4K) ra sao, vai trò của chương trình và việc sử dụng các nguồn vốn trong hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới... đang là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri quan tâm.

Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh làm việc tại cơ sở sản xuất đồ gỗ của chị Cao Thị Hoa (xã Thụy Dương, Thái Thụy).

 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều chương trình và nguồn vốn khuyến như khuyến công, khuyến thương, khuyến nông, khuyến ngư (viết tắt là 4K)... song việc triển khai thực hiện các chương trình này như thế nào, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ra sao, vai trò của chương trình và việc sử dụng các nguồn vốn trong hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới... đang là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri quan tâm.

 

Trước Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá XV, Ban Kinh tế Ngân sách (KTNS) HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện các chương trình 4K và hiệu quả sử dụng vốn khuyến trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến 2012, đạt nhiều kết quả và ý nghĩa thiết thực.

 

Theo đồng chí Trịnh Quang Hiệp, Phó trưởng Ban KTNS HĐND tỉnh: giám sát chuyên đề về thực hiện các chương trình 4K và hiệu quả sử dụng vốn khuyến trên địa bàn tỉnh là chương trình giám sát lớn. Do cùng lúc giám sát nhiều chương trình, lại được triển khai rộng rãi ở nhiều lĩnh vực và trên địa bàn khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, vì vậy việc giám sát thực hiện trong thời gian dài hơn so với các cuộc giám sát khác. Đồng thời, Ban đã lựa chọn giám sát ở nhiều đơn vị, địa phương thụ hưởng nguồn vốn như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư, UBND các huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Vũ Thư, Thành phố Thái Bình; một số xã, phường và cơ sở thụ hưởng các loại vốn khuyến trên địa bàn Thái Thụy, Thành phố Thái Bình và Tiền Hải...

 

Qua hoạt động giám sát, đoàn giám sát đã nắm bắt những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn khuyến tại các đơn vị, địa phương được giám sát và trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Đối với vốn khuyến công, 3 năm (2010 - 2012) đã hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 6.823 lao động với các nghề chủ yếu là: móc sợi, mây tre đan xuất khẩu, dệt chiếu, làm thảm len, may công nghiệp, đồ gỗ mỹ nghệ, dệt bao đay, chẻ tăm hương. Công tác tổ chức đào tạo, truyền nghề được căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, dựa trên nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm của lao động nông thôn. Việc hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, tập huấn nâng cao tay nghề cho người lao động đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Chính sách hỗ trợ từ vốn khuyến công cho công tác tập huấn, đào tạo, truyền nghề đã động viên, khuyến khích một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh du nhập nghề mới, mở rộng nghề hiện có, từ đó tạo động lực cho phát triển nghề và làng nghề. Ngoài ra, nguồn vốn khuyến công còn góp phần phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua việc tổ chức bình chọn sản phẩm tiêu biểu. Năm 2012 đã có 34 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, 14 sản phẩm tiêu biểu khu vực như: bật lửa ga, dũa thép, cạm bẫy chuột, bánh cáy, máy thái rau bèo, máy bơm nước ly tâm, máy đục mộng dùng cho sản xuất đồ gỗ.

 

Nguồn vốn khuyến thương cũng đã được sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức hội chợ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước và quốc tế, bán hàng bình ổn giá, thu thập, xử lý thông tin, làm chuyên đề và phát hành bản tin, duy trì cổng thông tin điện tử... Nhiều sản phẩm từ các làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước như đèn trang trí nội thất, mây tre đan xuất khẩu, hương, nước mắm; một số sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ ở nước ngoài như bật lửa ga, dũa thép, bánh cáy, sản phẩm từ nghề rèn...

 

Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế, đề nghị sớm khắc phục như công tác tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động khuyến công, khuyến thương chưa được các ngành quan tâm đúng mức; cán bộ làm công tác khuyến công, khuyến thương còn hạn chế về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc; nguồn kinh phí khuyến công  thấp, thủ tục thực hiện còn nhiều khó khăn nên chưa tạo được sự hấp dẫn với các đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả của các đề án khuyến công; đa số các đơn vị thụ hưởng vốn là doanh nghiệp, cơ sở đang phát triển, có tiềm lực trong sản xuất kinh doanh và đã có chỗ đứng trên thị trường.

 

Bên cạnh đó, quy mô các chương trình, dự án khuyến công còn nhỏ lẻ, việc phân bổ vốn dàn trải, mất cân đối giữa các nhiệm vụ, chủ yếu tập trung thực hiện các hoạt động tập huấn, truyền nghề; các nội dung khác được phân bổ nguồn vốn thấp như: nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho doanh nghiệp và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khuyến công; xây dựng các mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn; tạo ra các sản phẩm tiêu biểu phát huy tốt hơn thế mạnh, mặt hàng truyền thống của từng địa phương; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn ...

 

Với nguồn vốn khuyến nông, khuyến ngư, trong 3 năm toàn tỉnh đã mở được 950 lớp tập huấn với 95.000 người tham gia, nội dung tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, sản xuất hàng hoá theo mô hình cánh đồng mẫu. Các lớp tập huấn đã giúp nông dân bổ sung được nhiều kiến thức để vận dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phương thức sản xuất và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt đối với những cây con có giá trị kinh tế cao.

 

Từ nguồn vốn, đã có nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, góp phần tạo ra lượng hàng hóa lớn, tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát của nông dân. Công tác quản lý nguồn vốn cũng được đổi mới, bảo đảm chặt chẽ hơn. Nhìn chung, vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng tiến độ thời gian và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

 

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, kinh phí dành cho các chương trình 4K còn thấp; phân bổ vốn mang tính chất bình quân, dàn trải dẫn đến chi phí quản lý tăng cao, không đủ kinh phí để hỗ trợ mô hình tập trung, quy mô lớn, dài hạn, tạo sự bứt phá trong sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý, sử dụng vốn đã tiến bộ, song thủ tục cấp phát ở một số nơi còn chậm. Vốn Khuyến nông mới chủ yếu tập trung hỗ trợ sản xuất, tăng năng suất và chất lượng nông sản, chưa chú trọng khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất chưa gắn kết theo chuỗi giá trị và việc bao tiêu sản phẩm nên khi tiêu thụ gặp khó khăn.

 

Căn cứ kết quả giám sát chuyên đề, Ban KTNS HĐND tỉnh kiến nghị các cấp, các ngành phát huy kết quả, khắc phục mặt tồn tại, hạn chế, bảo đảm thực hiện tốt hơn các nguồn vốn khuyến trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày