Thứ 2, 22/07/2024, 17:30[GMT+7]

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi một số ý kiến của các đại biểu, khách mời trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 10/7

Thứ 5, 11/07/2024 | 08:47:51
852 lượt xem

Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Sở Tài chính

6 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý tài chính, thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo quyết liệt. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 13.924,9 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thu nội địa đạt 4.530,2 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán, tăng 35,8%. Với số thu này Thái Bình chưa đạt được yêu cầu đề ra, tuy nhiên theo nhận định trong bối cảnh khó khăn hiện nay để Thái Bình hoàn thành dự toán thu Bộ Tài chính giao năm 2024 cần sự nỗ lực, quyết tâm lớn. Vì vậy, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung, quyết liệt trong công tác thu ngân sách, nhất là thu tiền sử dụng đất, thu thuế, phí, lệ phí...; chủ động tính toán khai thác các nguồn thu, nhất là nguồn thu mới phát sinh, xây dựng phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách. Điều hành, quản lý chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và nhiệm vụ mới, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tiền lương. Chỉ đạo tập trung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của ngành chuyên môn, tôi đề nghị các ngành, địa phương phối hợp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, tận dụng mọi nguồn thu có thể để tăng thu, tạo nguồn đầu tư cho phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Qua nghiên cứu, tôi thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; đồng tình với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội mà báo cáo của UBND tỉnh đã chỉ ra; trong đó có những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, một số diện tích đất quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, vì vậy các địa phương phải xây dựng lại quy hoạch sử dụng đất nhưng đồng thời sẽ tháo gỡ một số khó khăn, giúp chủ động hơn trong lập kế hoạch sử dụng đất. Hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường đang  tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành một số hướng dẫn, quy định, các cơ chế, chính sách thực hiện, tạo tiền đề giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, tôi đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật một cách đồng bộ để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ các quy định, thực hiện tốt; từ đó sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; đồng thời sẽ giải quyết, tháo gỡ được những bất cập, hạn chế đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Đồng chí Đỗ Mạnh Tăng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

Qua thảo luận, chúng tôi nhất trí với các đánh giá trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Đối với ngành tòa án cũng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đóng góp vào thành tích chung đó. Tuy nhiên có khó khăn là biên chế của ngành được giao từ năm 2012 với số cán bộ, công chức không tăng nhưng khối lượng công việc tăng nhiều lần, số lượng các vụ án phức tạp với nhiều loại tội phạm mới gia tăng theo nên rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều vụ án địa phương đề nghị xét xử lưu động nhưng thiếu kinh phí thực hiện. Vì vậy, tôi đề nghị thời gian tới các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, từ đó có thể hạn chế các vi phạm pháp luật, các vụ án phải xét xử; tăng cường nắm bắt, giải quyết những vụ việc, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế để xảy ra khiếu kiện. Cùng với đó, hàng năm tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện xét xử lưu động các vụ án điểm, tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vũ Ninh (Kiến Xương)

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như hỗ chương trình “Thắp sáng đường quê”, hỗ trợ xi măng, hỗ trợ tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa, hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp… Song, hiện nay ở nhiều địa phương việc xây dựng nông thôn mới nâng cao đang bị chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu chí để đạt cần nhiều kinh phí trong khi đó việc huy động nguồn lực cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn gặp khó khăn. Kỳ họp này UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ thêm tiền sử dụng đất cho các xã từ 40% lên 50% để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi rất phấn khởi. Các địa phương khó khăn như chúng tôi rất phấn khởi, mong HĐND tỉnh sớm ban hành nghị quyết tạo thuận lợi cho chúng tôi có thêm kinh phí đầu tư thực hiện các công trình, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng nguồn lực này đúng mục đích, hiệu quả để về đích nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình đề ra. 

Đồng chí Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy

Tỉnh đã rất quan tâm thu hút doanh nghiệp xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho nhân dân các vùng nông thôn sử dụng, bảo đảm sức khỏe. Cử tri, nhân dân toàn tỉnh rất phấn khởi đóng kinh phí đấu nối để được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, khi tiếp xúc cử tri, đại biểu chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến rằng nước sạch công suất không bảo đảm dẫn đến các vùng cuối nguồn thường bị thiếu nước, chất lượng nước một số nhà máy cũng chưa bảo đảm. Cử tri, nhân dân một số địa phương đã kiến nghị nhiều lần song tình trạng mất nước, chất lượng nước không bảo đảm vẫn xảy ra, nhất là mùa hè, ngày lễ tết. Tôi đề nghị tỉnh có giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cục bộ ở một số địa phương, thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các nhà máy nước nâng công suất, chất lượng nước cung cấp cho nhân dân sử dụng.

Mạnh Cường - Thu Hiền 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày