Thứ 4, 07/08/2024, 14:17[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị Bài 3: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Thứ 4, 07/08/2024 | 09:10:26
192 lượt xem
Cùng chất vấn đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh (tổ Tiền Hải) đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết quy trình, chất lượng rà soát, kiểm tra các danh mục trong các tờ trình về bổ sung dự án cần thiết thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh? Kết quả công tác hướng dẫn, phối hợp của Sở với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án?

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư.

Nâng cao chất lượng tổng hợp danh mục trình HĐND tỉnh 

Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Thời gian qua, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp danh mục để Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đề xuất quá nhiều công trình, dự án; nhiều công trình, dự án không bảo đảm yêu cầu, điều kiện; hồ sơ, tài liệu gửi kèm không đầy đủ, thiếu căn cứ pháp lý; biểu tổng hợp các danh mục dự án quá thời gian yêu cầu, sát ngày kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra. Sở phải dành nhiều thời gian để rà soát, loại bỏ các công trình, dự án không bảo đảm điều kiện, do vậy có ít thời gian kiểm tra, rà soát, chưa bố trí đủ thời gian để kiểm tra thực địa các dự án đề xuất, chỉ kiểm tra xác suất một số dự án. Nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết, quyết định phân bổ, bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án trong năm nhưng tỷ lệ thực hiện rất thấp, đề nghị cắt giảm để thực hiện công trình, dự án khác hoặc không triển khai dự án theo nghị quyết đã bố trí vốn. 

Để nâng cao chất lượng tổng hợp danh mục trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát công trình, dự án có khả năng thực hiện trong năm kế hoạch, hoàn thiện các thủ tục bảo đảm điều kiện trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp định kỳ tháng 7 và tháng 12 hàng năm. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang dự thảo quy định xin ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan để tham mưu UBND tỉnh ban hành, tổ chức thực hiện khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực. Sở đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh yêu cầu HĐND cấp huyện, cấp xã rà soát, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết về phân bổ vốn đầu tư công. UBND các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện bảo đảm thống nhất đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, theo thực tế và khả năng thực hiện dự án trong năm kế hoạch. 

Ngày 26/6/2024, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 31- CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trong đó có nội dung liên quan đến danh mục đất thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo văn bản xin ý kiến các sở, ngành và đang tổng hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TU. 

Tích cực hướng dẫn các địa phương giải phóng mặt bằng

Về công tác hướng dẫn, phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường với các địa phương trong công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đồng chí Nguyễn Văn Trường cho biết: Thời gian qua, nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/ KH-UBND để thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, giải quyết nhu cầu sử dụng đất của các dự án, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song hiện nay một số địa phương thực hiện công tác GPMB vẫn còn lúng túng, không đúng quy định, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ dù Sở đã tích cực vào cuộc hướng dẫn. Với nội dung vướng mắc cụ thể theo đề nghị của UBND cấp huyện, Sở giao phòng chuyên môn trực tiếp làm việc với cán bộ chuyên môn của UBND huyện, thành phố hoặc có văn bản phúc đáp hướng dẫn theo thẩm quyền; cử cán bộ chuyên môn hoặc trực tiếp lãnh đạo Sở dự họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của UBND huyện, thành phố. Đối với các trường hợp vướng mắc thuộc thẩm quyền UBND tỉnh hoặc có nội dung chưa thống nhất giữa các sở, ngành, Sở tổ chức họp để thống nhất hướng dẫn hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo. Một số trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, Sở có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi hướng dẫn UBND cấp huyện. Từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 9 văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, ban hành 329 văn bản báo cáo UBND tỉnh về đề xuất hỗ trợ khác, bố trí tái định cư và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác GPMB. 

Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình sớm triển khai thực hiện dự án, đi vào sản xuất ổn định tại khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy). 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn có văn bản xin ý kiến các sở, ngành, UBND tỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; một số nội dung đề xuất không phù hợp với quy định của pháp luật. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các phòng chuyên môn với đơn vị làm công tác GPMB có lúc chưa kịp thời, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong tham mưu giải quyết vướng mắc phát sinh. Có nội dung, các sở, ngành liên quan đã có ý kiến bằng văn bản hoặc trực tiếp tại các cuộc họp nhưng địa phương còn có ý kiến không thống nhất lại xin ý kiến nhiều lần. Một số dự án chưa quyết liệt trong việc thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, chưa quyết liệt xử lý các trường hợp không phối hợp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ hoặc cố tình chây ỳ, chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất dẫn đến một số dự án còn tồn tại kéo dài, không giải quyết dứt điểm. 

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND các huyện, thành phố cần chủ động thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư theo thẩm quyền trình tự thủ tục quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền lợi cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khi Nhà nước thu hồi đất; tăng cường đối thoại với các trường hợp bị thu hồi đất; kịp thời giải quyết ý kiến, kiến nghị của người có đất bị thu hồi. Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, chủ động rà soát đề xuất, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu giải quyết. Nâng cao chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các phòng chuyên môn với đơn vị làm công tác GPMB để kịp thời tham mưu giải quyết vướng mắc phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng tại địa phương. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế những trường hợp đã bảo đảm đầy đủ chính sách quy định, đã tuyên truyền, vận động giải thích nhưng cố tình chây ỳ, không phối hợp trong công tác kê khai, kiểm đếm thực hiện công tác GPMB. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc trong các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch. 

Xã Tây Giang (Tiền Hải) giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng nông thôn mới. 


(còn nữa) 

Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày