Thứ 4, 15/01/2025, 11:57[GMT+7]

Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị Bài 6: Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Thứ 7, 10/08/2024 | 08:03:32
2,280 lượt xem
Tại kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu Nguyễn Như Quang, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy (tổ Thái Thụy) chất vấn đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nội dung: Thời gian qua, chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên theo báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số tỉnh Thái Bình năm 2023 bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu còn chậm như: hạ tầng băng thông cáp quang phủ đến hộ gia đình, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP còn thấp…; với trách nhiệm là cơ quan thường trực, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân và giải pháp tham mưu với Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới?

Người dân quét mã QR bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Về nội dung này, theo đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số, được xác định là động lực quan trọng giúp nền kinh tế phát triển nhanh, hòa nhịp với sự phát triển của thời đại. Cùng chung xu thế phát triển của cả nước, kinh tế số của Thái Bình những năm qua cũng đạt được những kết quả ban đầu. Về hạ tầng số: 4G, cáp quang internet băng rộng phủ sóng toàn tỉnh. Trên 90% dân số trưởng thành dùng điện thoại thông minh, tới đây khi tắt sóng 2G có gần 100% dân số trưởng thành sử dụng. Trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng máy móc, công nghệ tự động hóa nhiều khâu; lĩnh vực nông nghiệp áp dụng nhiều công nghệ của chuyển đổi số như: Drone phun thuốc sâu, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm... 

Việc số hóa trong quản lý nhân sự, tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất, siêu thị, cửa hàng được triển khai rộng rãi. Trên 90% lao động trong độ tuổi sử dụng tài khoản ngân hàng số. Mã QR thanh toán tại siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã phổ biến. Mục tiêu phát triển kinh tế số tại tỉnh được xác định, đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP, năm 2030 chiếm 30% GRDP. 

Cuối năm 2023, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kinh tế số trên 20%, 8 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10 - 20%, 50 tỉnh dưới 10%, trong đó hầu hết từ 5 - 7%. Trong đó, Thái Bình tỷ trọng đạt 5,2%, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố. Nghiên cứu ở các tỉnh dẫn đầu có tỷ trọng kinh tế số cao như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang cho thấy tỷ trọng cao chủ yếu do sự đóng góp của công nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính (Tập đoàn Samsung, LG, Foxconn), tỷ trọng trên 90% giá trị kinh tế số nằm ở đây. Ở tỉnh ta, đến thời điểm hiện nay hầu như ngành hàng sản phẩm này rất nhỏ. Đây là nguyên nhân chính của tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh ta thấp. 

Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ phương thức để phát triển kinh tế số của tỉnh ta là xây dựng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số đầu tư các nền tảng số, chuỗi cung ứng số, số hóa sản phẩm dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, nội dung số đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp. Bám sát chủ trương này, trong những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao vào sản xuất trên địa bàn; riêng khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) thu hút được 7 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nằm trong danh mục ngành kinh tế số lõi với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó 3 công ty: Lotes, Ohsung Vina, JingYang Electronics đã bắt đầu đi vào hoạt động, dự kiến năm 2025 sẽ có doanh thu, dự kiến tạo đột biến trong giá trị sản xuất từ kinh tế số cho tỉnh. Ngoài ra, còn 4 doanh nghiệp sản xuất điện tử, máy vi tính, quang học hiện đang xây dựng nhà xưởng hoặc chuẩn bị đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái khi đi vào sản xuất sẽ tạo ra giá trị về kinh tế số rất lớn cho tỉnh. Với kỳ vọng từ các doanh nghiệp kinh tế số lõi đã và đang đầu tư tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, bức tranh về kinh tế số của Thái Bình sẽ khởi sắc từ năm 2025. 

Về giải pháp trong thời gian tới, theo đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh các cơ chế, chính sách để tiếp tục phát triển kinh tế số của tỉnh; các giải pháp hình thành nên các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, sản xuất các sản phẩm nội dung số; đồng hành cùng doanh nghiệp đưa nhiều giải pháp chuyển đổi số áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, để tăng tỷ trọng kinh tế số, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị tỉnh nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, chip bán dẫn, máy tính, phần mềm, nội dung số đầu tư vào tỉnh. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác lớn để thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tăng cường quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh do Sở Công Thương triển khai. Đề nghị người dân có tài khoản ngân hàng điện tử tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt để góp phần tăng tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến 0 đồng đã được HĐND tỉnh thông qua. Thái Bình là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước về thực hiện dịch vụ công 0 đồng. Chuyển đổi số là việc làm của mọi cơ quan, đơn vị, địa phương và của tất cả mọi người nên đề nghị nhân dân tích cực sử dụng các ứng dụng số trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống hàng ngày. 

Xã Tân Học (Thái Thụy) đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số phục vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 


(còn nữa)

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày