Chủ nhật, 22/12/2024, 18:39[GMT+7]

Sôi nổi thảo luận tổ trước kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thứ 3, 10/12/2024 | 20:03:31
7,899 lượt xem
Chiều ngày 10/12, HĐND tỉnh chia 8 tổ thảo luận vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ thành phố Thái Bình phát biểu thảo luận.

Video: 101224_-_THAO_LUAN_TO_HDND.mp4?_t=1733836043

Qua nghiên cứu, thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá năm 2024 với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, có trọng tâm của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đồng chí Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ Vũ Thư

Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ Kiến Xương. 

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ Hưng Hà. 

Thảo luận tại tổ Đông Hưng. 

Thảo luận tại tổ Quỳnh Phụ. 

 Thảo luận tại tổ Thái Thụy.

Các đại biểu cho rằng, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 của tỉnh là 9% trở lên cần tiếp tục tinh thần với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên” cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực; tập trung cao độ cho các nhiệm vụ chiến lược, quyết định cho sự tăng trưởng của tỉnh; đồng thời thực hiện có hiệu quả việc huy động và phân bổ các nguồn lực nhằm tạo ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển và nâng tầm vị thế của tỉnh. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nhất là thương hiệu gạo Thái Bình. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình trọng điểm, tuyến đường giao thông liên vùng và hạ tầng đô thị. Nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Các đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến: chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững; chú trọng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giải quyết những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tập trung khắc phục vi phạm ở một số địa phương; thực trạng thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất ở tuyến y tế cơ sở xuống cấp; hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản; ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; sự phối hợp, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã…

Các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được tổng hợp báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng ngày 12/12.

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi ý kiến của một số đại biểu trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 10/12: 

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Một trong những mục tiêu tổng quát mà Thái Bình đặt ra trong năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Do vậy, tôi đề nghị kỳ họp lần này HĐND tỉnh thảo luận, phân tích kỹ lưỡng các giải pháp cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn, thân thiện môi trường; thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; sớm đưa các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, sớm tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sản xuất. Tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định và cơ chế, chính sách, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình đô thị hóa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Dư, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh

Qua nghiên cứu tôi cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2025 của UBND tỉnh. Báo cáo đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn, nút thắt tỉnh đã tập trung tháo gỡ để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,01%. 2025 sẽ là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, tạo tiền đề thuận lợi cho tỉnh Thái Bình bước vào giai đoạn phát triển mới, bứt phá. Vì vậy, tôi đề nghị tại kỳ họp này HĐND tỉnh cần tập trung thảo luận kỹ lưỡng các mục tiêu, giải pháp, nhất là giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để đạt mục tiêu đề ra. Chú trọng phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội như: nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế y tế, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục, giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn…


Đồng chí Nguyễn Quốc Vương, Phó Giám đốc Công an tỉnh

Từ đầu năm đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và bảo đảm nhất là trong dịp lễ, tết và các sự kiện quan trọng. Tỉnh giữ vững thành tích 12 năm liên tiếp không xảy ra đốt pháo nổ trong đêm giao thừa. Công tác bảo đảm an ninh, đấu tranh đấu tranh phòng, chống tội phạm được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt; chủ động nắm và kiểm soát tốt tình hình, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án, điểm nóng không để xảy ra phức tạp, khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng đa dạng và phức tạp; tình trạng giả danh cán bộ công an, tòa án; tội phạm học đường... vẫn còn xảy ra. Chính vì thế, người dân cần trang bị cho bản thân ý thức, tâm trạng tốt, cảnh giác cao độ khi tham gia mạng xã hội; các cấp, ngành, địa phương đơn vị tích cực phối hợp với ngành công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều biết và thực hiện; đẩy mạnh thực hiện các nội dung thuộc Đề án 06; tăng cường quản lý về sim rác, tài khoản ngân hàng..

Ông Vũ Mạnh Hoàn, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Bình

Qua nghiên cứu tôi thấy các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh rất rõ ràng, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Thái Bình cần tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực sẵn có để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, phải đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao. Tăng cường xúc tiến  thương mại, xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn.


Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình

Qua nghiên cứu, tôi thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; đồng tình với những đánh giá về những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Thái Bình nói riêng đã tích cực mở rộng đầu tư tín dụng, cắt giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, từ đó giúp người dân và doanh nghiệp có điều kiện duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình cũng là đơn vị tiên phong trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thu thập sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) của khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Agribank, từ đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Trong bối cảnh năm 2025 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nên để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, các tuyến giao thông kết nối tạo động lực cho thu hút đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm để có thêm nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh...

Nguyễn Hình – Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày