Thứ 3, 06/08/2024, 03:09[GMT+7]

Điều chỉnh chính sách về giảm nghèo Thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững

Thứ 6, 11/04/2014 | 09:05:00
1,057 lượt xem
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành Nghị quyết về giảm nghèo. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thúy Hoàn, đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo tại một số địa phương, đơn vị; những kiến nghị của Thái Bình gửi tới Quốc hội, các bộ, ngành liên quan. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Phóng viên: Qua hoạt động giám sát tại một số địa phương, đơn vị, bà đánh giá thế nào về kết quả giảm nghèo của tỉnh ta trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Thúy Hoàn: Giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, do vậy, nhiều chính sách về giảm nghèo đã được Quốc hội ban hành nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. Ở tỉnh ta, các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả như: chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Hầu hết người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước, bản thân người nghèo cũng tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Phong trào xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí trong đó có tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân vào cuộc tích cực đã góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Nếu năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo là 15,22% thì năm 2013 đã giảm xuống 4,56% (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII đề ra). Kết quả này cơ bản phản ánh sát thực hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh ta trong những năm qua. Tuy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm nhưng chưa thực sự bền vững, hộ cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách chênh lệnh về thu nhập giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất chưa được thu hẹp, nhất là khu vực nông thôn và thành thị, khả năng ứng phó của người nghèo trước hậu quả thiên tai, dịch bệnh còn nhiều hạn chế, phó mặc cho chính quyền cơ sở.

Phóng viên: Nhiều cử tri cho rằng một số chính sách về giảm nghèo hiện nay chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Nguyễn Thúy Hoàn: Chính phủ luôn ưu tiên hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội nhưng còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau dẫn đến manh mún, hiệu quả chưa cao. Có chính sách mang tính ngắn hạn hoặc hỗ trợ trực tiếp tới các hộ nghèo nên một bộ phận dân cư không muốn thoát nghèo hoặc con cái tách riêng bố mẹ để trở thành hộ nghèo, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Chính sách giảm nghèo được ban hành nhưng thời gian đầu hệ thống văn bản chỉ đạo chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn chậm, không kịp thời và phù hợp với thực tiễn như tiền hỗ trợ xây nhà, dạy nghề cho người nghèo… gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.  Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thiếu sự lồng ghép giữa các chính sách, dự án, không khai thác sự phối hợp giữa các chương trình vì các hợp phần của chương trình thực hiện độc lập thông qua kênh của các bộ, ngành liên quan khác nhau, vì vậy chưa mang lại kết quả tổng lực.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sắp tới sẽ nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành nghị quyết về giảm nghèo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị, đề xuất những vấn đề gì để nội dung nghị quyết phù hợp, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững?

Bà Nguyễn Thúy Hoàn: Qua giám sát việc triển khai thi hành chính sách, pháp luật tại một số địa phương, đơn vị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có thêm các điều kiện tự mình vươn lên trong lao động, sản xuất tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Giám sát, rà soát lại toàn bộ những chính sách, chương trình dành cho người nghèo, sửa đổi những chính sách, chương trình không phù hợp, phản tác dụng còn chương trình nào hiệu quả thì phát huy. Tích hợp các chương trình, dự án cho hộ nghèo lại với nhau, không để phân tán như hiện nay.

Tăng thêm các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo. Bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ cận nghèo, đưa hộ cận nghèo vào đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm. Chuyển dần phương thức hỗ trợ cho không theo hình thức đơn lẻ sang hỗ trợ có điều kiện theo hướng đa chiều. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tăng thêm các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo để họ làm việc có tính chuyên nghiệp hơn, điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn xác hơn. Đặc biệt, các chính sách ban hành phải thực sự đồng bộ từ khâu văn bản đến hướng dẫn tổ chức thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, ổn định, phù hợp với đặc điểm mỗi vùng miền, tránh chồng chéo.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.

Thu Hiền
 (Thực hiện)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày