Chủ nhật, 13/07/2025, 08:51[GMT+7]

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Thứ 4, 14/05/2014 | 23:13:16
1,283 lượt xem
Sáng 14/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội thảo.

Đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi hội thảo. Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội thảo.

Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; HĐND các cấp 63 tỉnh, thành cũng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Đây là lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên có một số hạn chế, vướng mắc nảy sinh, vì vậy Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để sửa đổi, bổ sung nội dung của Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) xin ý kiến đóng góp lần này có 19 điều, trong đó sửa đổi 15 điều, bổ sung mới 4 điều.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cần được tiếp tục tổ chức để góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người đứng đầu trước Quốc hội, HĐND và trước cử tri cả nước, giúp họ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết, các đại biểu kiến nghị nên lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả các thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Về thời hạn lấy phiếu, có đại biểu đồng ý với phương án lấy tín nhiệm hàng năm hoặc 1 lần/nhiệm kỳ nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên lấy tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ, tiến hành vào đầu năm thứ 3 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ; đề nghị giữ nguyên 3 mức lấy phiếu tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp).

Hệ quả pháp lý đối với trường hợp bị quá nửa đến 2/3 tổng số đại biểu bỏ phiếu “tín nhiệm thấp” thì phải từ chức hoặc Thường trực HĐND yêu cầu Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để làm thủ tục bãi miễn; báo cáo đánh giá của người được lấy phiếu tín nhiệm phải làm theo mẫu thống nhất, bảo đảm tính trung thực, khách quan…

Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn sẽ nghiên cứu, tổng hợp làm cơ sở góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày