Thứ 3, 21/01/2025, 11:21[GMT+7]

Kinh nghiệm xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề của HĐND thành phố Thái Bình

Thứ 4, 28/05/2014 | 08:23:40
4,735 lượt xem
Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng trong hoạt động của hội đồng nhân dân (HĐND). Thông qua hoạt động giám sát, HĐND chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan, đơn vị, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Một góc thành phố Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Vì tầm quan trọng đó, thời gian qua, HĐND thành phố Thái Bình đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt chú trọng làm tốt công tác xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề bảo đảm sự chủ động để thực hiện thành công các cuộc giám sát.

Giám sát chuyên đề là hình thức giám sát chuyên sâu về một lĩnh vực, thu thập thông tin toàn diện, đầy đủ và có tính hệ thống, giúp HĐND kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước ở địa phương, nắm bắt vấn đề cử tri, người dân quan tâm, bức xúc phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Thái Bình: Giám sát là công việc khó khăn, phức tạp, có nhiều khâu, nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tinh tế, nhạy bén, nếu không có kế hoạch nghiên cứu trước đối tượng chịu sự giám sát thì rất dễ rơi vào hình thức, hiệu quả không cao. Phạm vi giám sát rất rộng nên việc xây dựng chương trình, kế hoạch, lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, đúng quy định là hết sức cần thiết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực và các ban của HĐND Thành phố luôn chú trọng tìm giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề; đã thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Trung bình mỗi năm HĐND Thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện từ 11 đến 14 cuộc giám sát chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, công tác tài nguyên, môi trường, quản lý đô thị, chấp hành pháp luật và tuân thủ quy chế quản lý đô thị, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng trên địa bàn Thành phố sử dụng vốn ngân sách Nhà nước…

Qua các cuộc giám sát, HĐND Thành phố đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, có kiến nghị, đề xuất sau giám sát, được các cấp, các ngành, các địa phương kịp thời khắc phục, sửa chữa, giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cả địa phương và người dân.

Qua thực tế tổ chức thành công nhiều cuộc giám sát chuyên đề, HĐND Thành phố rút ra 3 bài học kinh nghiệm về xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề hiệu quả:

Thứ nhất, chương trình giám sát phải thể hiện đầy đủ nội dung, đối tượng, thời gian, được Thường trực, các ban HĐND xây dựng, thông qua từ kỳ họp cuối năm trước. Chuyên viên giúp việc thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, xây dựng đề cương chi tiết, tập trung vào các vấn đề trọng tâm cần đánh giá làm rõ. Đồng thời, xây dựng đề cương báo cáo giám sát, các biểu mẫu thống kê gửi đơn vị, địa phương chịu sự giám sát để họ có cơ sở xây dựng báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhận định, đánh giá, giải pháp khắc phục tồn tại, có ý kiến, kiến nghị xác đáng. HĐND Thành phố lựa chọn vấn đề và cách làm đúng, phân bổ thời gian, nhân lực hợp lý cũng là yếu tố quyết định thành công của các cuộc giám sát chuyên đề.

Thứ hai, Thường trực và các ban HĐND phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện giám sát; Thường trực HĐND luôn là người giữ vai trò điều hòa để các cuộc giám sát không bị chồng chéo về thời gian, địa điểm, đối tượng. Trưởng đoàn giám sát phân công nhiệm vụ cụ thể để các thành viên nghiên cứu trước tài liệu, nắm chắc văn bản pháp luật liên quan để khi thực hiện chất vấn, trao đổi với đơn vị chịu sự giám sát hiệu quả sẽ cao. Trong quá trình giám sát, đoàn làm việc trên tinh thần khách quan, dân chủ, đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm để đánh giá, phân tích, làm rõ. 

Thứ ba, lựa chọn thành phần đoàn giám sát gồm Thường trực, các ban HĐND, đại diện các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, trong những trường hợp cần thiết phải mời cả chuyên gia để bảo đảm các luận cứ khoa học khi kết luận. Các thành viên đoàn giám sát chủ động, tích cực tham gia giám sát theo đúng kế hoạch, thảo luận, trao đổi đúng nội dung giám sát. HĐND Thành phố gửi kế hoạch ghi rõ nội dung và thời gian tiến hành sớm để các đơn vị chủ động công việc, cử cán bộ hiểu rõ lĩnh vực cần giám sát tham gia cùng đoàn. Lựa chọn đúng và phát huy vai trò của từng thành viên đoàn giám sát sẽ giúp giải quyết thỏa đáng ngay tại hội trường những tồn tại, hạn chế, kiến nghị, đề xuất của đối tượng chịu sự giám sát. Làm tốt điều này việc tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát được thuận lợi, ngắn gọn, xúc tích, nhận định đầy đủ, chính xác tình hình, đúng trọng tâm. Mỗi cuộc giám sát cần đề ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phải trả lời được các câu hỏi: giám sát việc gì, ở đâu, bao giờ, ai tham gia và quan trọng nhất là giám sát để làm gì?

Những kinh nghiệm mà HĐND Thành phố đúc kết được qua thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát, nhất là bước xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát chuyên đề là bài học HĐND các huyện học và vận dụng một cách linh hoạt để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đơn vị mình.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày