Thứ 5, 10/10/2024, 23:15[GMT+7]

Hiệu quả sau một năm phối hợp hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HÐND, UBND tỉnh

Thứ 5, 12/06/2014 | 09:06:05
767 lượt xem
Tháng 5/2013, Kiểm toán Nhà nước và Thường trực HÐND, UBND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp hoạt động. Sau một năm thực hiện Quy chế bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, giám sát, điều hành và quyết định nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia trên địa bàn tỉnh; rút ngắn thời gian, giảm nhân lực, tăng hiệu lực kiểm toán.

Thường trực HÐND tỉnh giám sát công tác quản lý tài chính tại Trường THCS Phong Huy Lĩnh (Ðông Hưng).

Ðây là đánh giá của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và Thường trực HÐND, UBND tỉnh sau 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động. Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao Thái Bình trong việc xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động, thực hiện nhiệm vụ, kết luận, kiến nghị kiểm toán, tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, quản lý, điều hành, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

 

Ðánh giá này thực sự khách quan bởi khi thực hiện bất kỳ công việc phối hợp nào Thường trực HÐND, UBND tỉnh cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong hoạt động kiểm toán.

 

Ngay từ đầu năm, Thường trực HÐND, UBND tỉnh đã cùng Kiểm toán Nhà nước thảo luận, bàn bạc, thống nhất các nội dung cơ bản của kế hoạch kiểm toán. Ðồng thời giao các cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện tốt Quy chế, phối hợp chặt chẽ trong khảo sát, thu thập thông tin phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

 

Quy trình phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Thường trực HÐND, UBND tỉnh được thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ. Sau khi được HÐND tỉnh phê chuẩn, UBND tỉnh gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho Kiểm toán Nhà nước để nắm bắt thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh phục vụ việc phối  hợp, tư vấn, lập kế hoạch kiểm toán. Ngược lại, Kiểm toán Nhà nước kịp thời thông báo kế hoạch kiểm toán trong năm đến Thường trực HÐND, UBND tỉnh.

 

Trước khi triển khai thực hiện, Kiểm toán Nhà nước thông báo cho Thường trực HÐND, UBND tỉnh kế hoạch chi tiết về các đơn vị được kiểm toán và nhân sự từng tổ kiểm toán, dự kiến thời gian gửi dự thảo báo cáo kiểm toán, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong phối hợp với Kiểm toán Nhà nước.

 

Theo đồng chí Ðặng Xuân Thiều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh, công tác phối hợp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành ngân sách. Ðã có một số hoạt động phối hợp hiệu quả như: kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước năm 2012, năm 2013; quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015; miễn, giảm, giãn, hoãn, hoàn, xóa nợ thuế năm 2012... tại một số sở, ngành, huyện, thành phố, một số đơn vị. Thường trực HÐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố được kiểm toán cung cấp đầy đủ các văn bản về ngân sách địa phương, văn bản chỉ đạo điều hành về tài chính ngân sách địa phương, các kết quả giám sát trong năm phục vụ kiểm toán.

 

“Trong khi một số tỉnh chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì Thái Bình là tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về việc này, nhất là ở công tác thu thuế, thu nợ thuế; quản lý, phân bổ dự toán thu, chi ngân sách các sở, ngành và cấp huyện; công tác thu và quản lý thu, chi các nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh tại các trường trong tỉnh” - đó là nhận xét của đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

 

Cách làm của Thường trực HÐND, UBND tỉnh là dựa trên các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các đơn vị theo dõi, đôn đốc và phối hợp chỉ đạo giải quyết thực hiện hiệu quả. Ðồng thời thông báo nội dung báo cáo, kiến nghị, kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đến các đại biểu HÐND để tăng tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện cho các đại biểu HÐND thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

 

Thường trực HÐND tỉnh còn trực tiếp giám sát và chỉ đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. UBND tỉnh công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong quản lý tài chính, ngân sách theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thường trực HÐND, UBND tỉnh tiến hành rà soát các nghị quyết, các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, các quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tế địa phương. 

 

Sau một năm thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động, cán bộ, công chức tỉnh và cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước đã có sự chia sẻ, tiếp thu và học tập kinh nghiệm của nhau trong quán triệt, vận dụng cụ thể hóa chính sách, pháp luật của nhà nước ở địa phương; phục vụ hữu ích cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ðồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước.

Thu Hiền

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày