Chủ nhật, 18/05/2025, 16:41[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lấy ý kiến đóng góp về một số dự thảo luật

Thứ 6, 19/09/2014 | 17:21:33
1,037 lượt xem
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Để luật sau ban hành sớm đi vào cuộc sống, ngày 19/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý lần cuối vào Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội thảo.

Đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 91 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của bộ máy tòa án nhân dân, về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong tòa án nhân dân. Đóng góp vào các điều, khoản cụ thể của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng nên lấy tên là Luật Tổ chức Tòa án; ngạch thẩm phán gồm thẩm phán tối cao và thẩm phán cao cấp; không nên thành lập tòa án khu vực thay cho tòa án quận, huyện; tăng thêm biên chế cho tòa án nhân dân cấp huyện. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo thêm, bớt, sửa đổi một số câu, chữ cho phù hợp, đúng chuyên ngành, đúng chức năng, đúng quy định soạn thảo văn bản, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Tham gia vào Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), các đại biểu cho rằng viện kiểm sát nhân dân có 2 chức năng chính là kiến nghị và kháng nghị nhưng do luật chỉ quy định các cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết kiến nghị của viện kiểm sát nhân dân nên hiệu quả chưa cao, vì vậy các đại biểu kiến nghị Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) nên quy định các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các kiến nghị của viện kiểm sát nhân dân. Các đại biểu đề nghị giữ nguyên viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, đồng thời thực hiện thí điểm thành lập viện kiểm sát nhân dân khu vực, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm nếu hiệu quả mới nhân ra diện rộng; tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đồng chí Trần Xuân Đệ, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh góp ý vào các dự thảo luật.

Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất với các nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, để các quy định của luật sát với thực tiễn cuộc sống, có tính khả thi cao, các đại biểu đề nghị kéo dài thời gian tự nguyện thi hành án lên 15 ngày, tăng thời gian chuyển giao quyết định thi hành án cho viện kiểm sát nhân dân lên 3 ngày; bỏ quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu và chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án; chuyển giao những bản án có án phí thấp về địa phương theo dõi giải quyết. Để số việc thi hành án không quá lớn như hiện nay, các đại biểu đề nghị cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra một quyết định thi hành án đối với một bản án hoặc quyết định của tòa án nhân dân, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm soát thực hiện bản án.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo bộ phận tham mưu giúp việc tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo xem xét, hoàn thiện các dự thảo luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 khóa XIII.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày