Chủ nhật, 25/05/2025, 05:09[GMT+7]

Nâng cao chất lượng các văn bản Góp phần vào thành công kỳ họp

Thứ 5, 04/12/2014 | 09:12:42
995 lượt xem
Chủ động thẩm tra kỹ các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết; tổ chức tốt hội nghị liên tịch trao đổi và thống nhất dự kiến nội dung, chương trình, thời gian của kỳ họp; phân công rõ nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ, từng đồng chí… nên chất lượng các văn bản trình kỳ họp HÐND tỉnh đã từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào thành công của các kỳ họp.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng tại Bệnh viện Tâm thần.

Tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, các văn bản trình nhiều, có văn bản chuyên đề, có văn bản liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó để các văn bản đạt chất lượng cao, đưa ra được những kiến nghị, đề xuất thiết thực, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh luôn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, từng tổ và từng đồng chí; yêu cầu Thường trực HĐND tỉnh làm tốt vai trò điều phối công việc, các ban HĐND tỉnh nâng cao chất lượng văn bản trình kỳ họp để nghị quyết sau ban hành được nhân dân đồng tình hưởng ứng, sớm đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… Để nâng cao chất lượng các văn bản trình kỳ họp, có nghĩa HĐND tỉnh phải làm tốt chức năng thẩm tra, giám sát. Những kỳ họp trước và Kỳ họp thứ 9 này, HĐND tỉnh đã chủ động làm việc với các ngành, tham dự các buổi thảo luận thông qua đề án, tờ trình do UBND tỉnh tổ chức; phân công công tác chuẩn bị văn bản cho các cơ quan chuyên môn và các ban của HĐND tỉnh. Khi tiến hành giám sát, không chỉ xây dựng kế hoạch cụ thể, các thành viên trong đoàn nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, nghị quyết liên quan nên các văn bản đều được thẩm tra kỹ, đáp ứng yêu cầu đề ra…

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội do Công ty Dệt sợi Đam San đầu tư.

Với các báo cáo mang tính định kỳ, HĐND tỉnh căn cứ vào nghị quyết đã ban hành, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, kiến nghị của cử tri, từ hoạt động giám sát, báo cáo của các cơ quan chuyên môn để xem xét những nhận định, đánh giá trong báo cáo có phản ánh đúng tình hình thực tế không, vấn đề nào diễn ra nhưng chưa được đề cập đến, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra có khả thi, so với nghị quyết của HĐND đã thông qua các chỉ tiêu đạt tỷ lệ bao nhiêu và đã chính xác chưa? Kết thúc buổi thẩm tra, đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, địa phương điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo cho đúng, đủ, chính xác, phản ánh đúng tình hình thực tế. Với đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, các đoàn giám sát chủ động đối chiếu để xem đề án có đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, mục tiêu, giải pháp có khả thi hay không? Nguồn vốn huy động ở đâu... Việc làm rõ những vấn đề đó đã giúp báo cáo giám sát, thẩm tra của HĐND tỉnh mang tính phản biện cao.

Khi chủ trì các buổi giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh tại một số sở, ngành, địa phương phục vụ cho Kỳ họp thứ 9, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh Kỳ họp thứ 9 có tầm quan trọng đặc biệt bởi đây là Kỳ họp đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh, do vậy phải đề ra chỉ tiêu, kế hoạch phát triển với mức đạt cao hơn những năm trước, góp phần hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra nên mọi khâu chuẩn bị đều phải làm tốt, đặc biệt là nâng cao chất lượng các văn bản trình kỳ họp. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp với Cục Thống kê, các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện báo cáo cho sát với tình hình thực tế, phát huy được thế mạnh của địa phương, đơn vị; số liệu phải thống nhất và có độ chính xác cao; những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của năm 2015 cũng phải sát với thực tế địa phương. Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khi giám sát tại một số sở, ngành đã thông qua ý kiến của cử tri kiến nghị tại các buổi tiếp xúc, yêu cầu các ngành làm rõ để có cơ sở xây dựng báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trình tại Kỳ họp thứ 9 như vấn đề cơ sở vật chất của một số trường học xuống cấp; xử lý tình trạng dạy thêm, học thêm, vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của bảo hiểm y tế…

Đồng chí Trần Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm làm tốt công tác thẩm tra, giám sát các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp đã góp phần vào thành công của các kỳ họp, các nghị quyết sau ban hành tạo điều kiện cho toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Đỗ Hiền

Ông Tạ Ngọc Giáo,

Tỉnh ủy viên,

Giám đốc Sở Tài chính

HUY ĐỘNG QUỸ DỰ TRỮ TÀI CHÍNH LÀ GIẢI PHÁP CẦN THIẾT ĐỂ XỬ LÝ MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHẨN CẤP, CẤP BÁCH

Đến ngày 31/10, UBND tỉnh đã sử dụng 116,476 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản thanh toán các dự án đê, kè cấp bách còn nợ đọng và bổ sung dự toán cho các đơn vị, các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Để tiếp tục xử lý một số nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách của tỉnh trong điều kiện cân đối ngân sách năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn, nguồn dự phòng ngân sách đã hết, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 9 phê duyệt việc thu huy động từ Quỹ dự trữ tài chính theo đúng Nghị định số 60. Đây là giải pháp cần thiết để xử lý một số nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh sẽ trích 40 tỷ đồng từ Quỹ dự trữ tài chính vào thu bổ sung cân đối ngân sách năm 2014 để xử lý một số nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách của tỉnh, trong đó xử lý di dân vùng sạt lở của xã Đông Long (Tiền Hải) 9,318 tỷ đồng, xử lý di dân xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ) 1,016 tỷ đồng và xử lý khẩn cấp 18 hạng mục các công trình kè đang thiếu vốn 29,666 tỷ đồng. Nếu được HĐND tỉnh phê duyệt sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

 

Ông Trần Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình, dự án

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Văn bản số 2110/UBND-NN ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh về việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp danh mục dự án, công trình có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ có diện tích dưới 10ha sẽ được trình HĐND tỉnh phê duyệt trước khi các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu với UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XV cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện 1.109 công trình, dự án, với diện tích 1.086,11ha. Nếu được HĐND tỉnh thông qua sẽ là căn cứ giúp các cơ quan quản lý nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ, thu nhập và tạo việc làm cho người dân.

 

Ông Đinh Gia Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình

Bảng giá đất cơ bản bảo đảm công bằng xã hội

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, bảng giá đất năm 2015 sẽ được sử dụng ổn định trong 5 năm nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người sử dụng đất. Vì vậy, ngay khi triển khai xây dựng bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn thành phố Thái Bình, UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND các xã, phường chủ động phối hợp với tổ tư vấn của tỉnh điều tra, khảo sát, tổng hợp, phân tích thông tin trên cơ sở phù hợp với giá thị trường, trong đó có kế thừa bảng giá đất năm 2014. Theo đó, điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình phát triển đô thị giữa các đoạn đường, khu phố và bổ sung những tuyến đường được cải tạo, nâng cấp. Đối với đất ở tại đô thị chia thành 615 vị trí theo đường, phố hoặc đoạn đường, phố để quy định mức giá đất; trong đó 467 vị trí điều chỉnh mức cao hơn giá đất năm 2014. Đất tại nông thôn với 159 vị trí theo 2 khu vực thì có 91 vị trí điều chỉnh tăng, còn lại giữ nguyên như mức giá đất năm 2014.

Với sự vào cuộc tích cực, sát sao trong công tác chỉ đạo, bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn Thành phố sau khi được HĐND tỉnh thông qua sẽ cơ bản bảo đảm sự công bằng trong xã hội, tiệm cận với giá thị trường. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các chính sách tài chính về đất đai, tạo điều kiện phát huy nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ông Nguyễn Bá Côn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình

Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội phù hợp với xu thế thời đại

Trước hết, có thể khẳng định, Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nói lên khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Quy hoạch đã phác họa bức tranh toàn cảnh về Thái Bình sau 5 - 15 năm nữa. Đây chính là “ý Đảng lòng dân” và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Quy hoạch là quan điểm phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh. Để thực hiện Quy hoạch đạt hiệu quả, có những vấn đề cần được xem xét như: Định hướng phát triển của Thái Bình phải được đặt trong sự phát triển chung, tổng thể của đất nước nhằm tránh sự chủ quan, duy ý chí, phát triển “nóng” làm nảy sinh nhiều hệ lụy, tác động tới phát triển bền vững. Việc phát triển bền vững cần gắn kết với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác tư tưởng, tuyên truyền giáo dục cần được quan tâm chú trọng để việc quán triệt Quy hoạch được sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, sự thống nhất, chủ động, tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, góp phần thực hiện thành công Quy hoạch.

Ông Phạm Văn Cao, xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy

Thực hiện tăng giá dịch vụ y tế song hành nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Là người dân thường xuyên phải đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện từ tỉnh tới huyện, tôi thấy tỉnh ta đã đầu tư ngày càng nhiều các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh nhân dân. Thái độ và phong cách phục vụ của đội ngũ y bác sĩ cũng ngày càng có trách nhiệm với người bệnh và lương tâm nghề nghiệp. Xét về khía cạnh của người bệnh, nhất là đối với người nông dân, bất cứ ai đi viện cũng đều mong chỉ phải trả chi phí cho các dịch vụ y tế một cách thấp nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn nhất trí với việc tăng giá dịch vụ y tế theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức trong các cơ sở y tế công lập nhưng ở mức độ vừa phải, không nên cao quá gây khó khăn cho người dân. Để tương xứng với mức tăng giá đó, đội ngũ những người trong ngành y tế cần phải quan tâm đến bệnh nhân hơn nữa; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân nặng có nhu cầu chuyển lên tuyến trên. Ngoài ra, các bác sĩ cần thể hiện thái độ nhiệt tình, vui vẻ, chia sẻ với người bệnh để họ yên tâm điều trị, nhanh khỏi bệnh.

Ông Vũ Ngọc Sơn, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình

Điều chỉnh địa giới hành chính xã Vũ Phúc đáp ứng mong mỏi của nhân dân

Tổ dân phố số 17 phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình) có tổng diện tích 2,8ha với 106 hộ và 336 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú thuộc phường Phú Khánh nhưng phần diện tích đất ở lại thuộc địa giới hành chính xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình). Do yêu cầu của việc kè sông Kiến Giang nên tháng 11/2004, gia đình tôi cùng 62 hộ gia đình khác có hộ khẩu thường trú thuộc phường Phú Khánh đã chuyển đến khu định cư mới nằm trên diện tích đất canh tác thuộc địa giới hành chính xã Vũ Phúc. Ngày 17/11/2004, UBND thành phố Thái Bình đã ra quyết định thành lập tổ dân phố số 17 phường Phú Khánh tại khu định cư này. Kể từ đó đến nay, tôi và các hộ gia đình khác trong tổ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng… Chính vì thế chúng tôi rất mong muốn được chuyển về phường Phú Khánh quản lý cả về đất đai và hành chính, có như vậy mới tạo thuận lợi cho nhân dân tổ dân phố số 17 khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho thành phố Thái Bình phát triển ngày càng vững chắc.

Ông Vũ Ngọc Quyên, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải

Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc

Là người dân chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại thị trấn Tiền Hải. Các cấp, các ngành khi triển khai đề án đặt tên đường, phố phải căn cứ vào vị trí, cấp độ, tính chất, quy mô của đường, phố để đặt tên cho tương xứng với ý nghĩa, tầm quan trọng của danh nhân, địa danh, di tích, danh thắng, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng đã được chọn. Ưu tiên lựa chọn tên các danh nhân, nhân vật được sinh ra tại Tiền Hải hoặc là người địa phương khác có cuộc đời, sự nghiệp gắn bó với huyện Tiền Hải nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung, những địa danh đã quen dùng từ xa xưa, sự kiện lịch sử tiêu biểu của huyện Tiền Hải và tỉnh Thái Bình. Không dùng tên nhân vật, tên sự kiện lịch sử chưa được xác định rõ ràng hoặc còn đang tranh luận và các tên không có ý nghĩa.

Với ý kiến cá nhân, tôi đề xuất đường Nguyễn Công Trứ nên đổi tên thành đường 14/10 và đường Tây Sơn đổi thành đường Nguyễn Công Trứ để việc đổi tên đường bảo đảm khách quan, khoa học.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày