Chủ nhật, 12/01/2025, 19:08[GMT+7]

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII - Đổi mới, chất lượng, vì nhân dân

Thứ 2, 20/07/2015 | 08:19:32
1,164 lượt xem
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn một số bộ trưởng về những vấn đề cử tri cả nước quan tâm, tích cực thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách liên quan đến đời sống dân sinh. Sau khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức thành công các cuộc tiếp xúc sau Kỳ họp với cử tri 8 h

Ông Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Thanh Tùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)

Phóng viên: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII được đánh giá có nhiều đổi mới, chuyên nghiệp và chất lượng, vậy những đổi mới đó là gì, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Thường: Đây là kỳ họp xem xét, thông qua nhiều dự thảo luật và nghị quyết nhất. Trong số 9 nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, có 2 nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng kinh tế và an sinh xã hội. Nghị quyết về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I hoàn thành trước năm 2025; Quốc hội giao Chính phủ tiến hành các thủ tục cần thiết và phải báo cáo Quốc hội trước khi tiến hành đầu tư mỗi giai đoạn. Nghị quyết về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động cho phép người lao động được hưởng BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc mà không tham gia BHXH nữa. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (gồm 15 người) theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Phóng viên: Công tác xây dựng pháp luật là một nội dung trọng tâm của Kỳ họp. Xin ông cho biết, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến vào những luật nào? Điểm đổi mới của một số luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua?
Ông Phạm Xuân Thường: Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 9. Kỳ họp đã dành 3/4 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thông qua 11 dự thảo luật và 9 nghị quyết, cho ý kiến 15 dự thảo luật khác. Các dự thảo luật quan trọng được Quốc hội thông qua liên quan nhiều đến hoạt động của địa phương. Trong đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định mới về thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm chủ tịch, các phó chủ tịch, trưởng các ban, riêng HĐND cấp tỉnh thì chánh văn phòng là đại biểu HĐND và là thành viên thường trực HĐND, tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp tỉnh, thành lập ban công tác HĐND cấp xã, ấn định cụ thể số lượng phó chủ tịch UBND các cấp giảm hơn so với luật hiện hành… Luật Nghĩa vụ quân sự lại hạn chế đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, kéo dài thời hạn tại ngũ từ 18 tháng lên 24 tháng, độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân, mỗi năm chỉ tuyển quân một lần...

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn?
Ông Phạm Xuân Thường: Khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, nhân dân cả nước rất quan tâm đến phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Tại Kỳ họp, có 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 157 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Tại Kỳ họp, các bộ trưởng không đi sâu báo cáo thành tích của ngành mà trả lời thẳng vào những vấn đề đại biểu hỏi. Nhiều vấn đề được làm sáng tỏ ngay tại hội trường đã giải tỏa những bức xúc, lo lắng của cử tri như việc bãi bỏ những khoản phí không hợp lý làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân, hay như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng đổi mới giáo dục sẽ không tạo ra cú sốc cho học sinh và phụ huynh… Tại phiên bế mạc Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nêu ra những công việc cụ thể cho Chính phủ và các bộ, ngành để Quốc hội và cử tri giám sát, biến những cam kết thành hành động cụ thể. Với những đổi mới tinh tế, kịp thời và xác đáng đã tạo nên những cuộc đối thoại đầy ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả, đây cũng là kỳ chất vấn được đánh giá là thành công.

Phóng viên: Tại Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có những hoạt động gì để chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thái Bình tới Quốc hội, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Thường: Tại Kỳ họp, trên tinh thần nghiêm túc, xây dựng và trách nhiệm, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng với đại biểu Quốc hội trong cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đóng góp trí tuệ, tiếng nói của mình chuyển tải đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri tới Quốc hội; đồng thời nghiên cứu kỹ, thận trọng trong việc biểu quyết các dự thảo luật, tham gia quyết định một số vấn đề quan trọng khác của đất nước. Tại Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đóng góp 67 ý kiến phát biểu có chất lượng về các lĩnh vực, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với ủy ban MTTQ các cấp tổ chức tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu cử tri 8 huyện, thành phố để thông báo kết quả Kỳ họp, báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền
(thực hiện)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày