Thứ 5, 16/01/2025, 14:47[GMT+7]

Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý ngoại thương

Thứ 2, 07/11/2016 | 21:26:05
681 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, sáng ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) phát biểu tại hội trường.

 

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm quản lý nhà nước, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, hạn ngạch, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu...

 

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) nhận thấy việc tách Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý ngoại thương phần quản lý nhà nước về ngoại thương ra khỏi Luật Thương mại để điều chỉnh trong Luật Quản lý ngoại thương trong khi đó Luật Thương mại vẫn điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế giữa các thương nhân với nhau có phần khiên cưỡng, không phù hợp với logic và kỹ thuật lập pháp truyền thống. Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng cần thiết phải sửa đổi căn bản Luật Thương mại năm 2005 cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, không chỉ sửa đổi 7/324 điều như tờ trình của Chính phủ, chủ yếu sửa phần quản lý nhà nước về ngoại thương; Pháp lệnh về phòng vệ thương mại được ban hành từ những năm 2002 đến năm 2004 nhưng chưa được tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Việc luật hóa 3 pháp lệnh trên vào Luật Quản lý ngoại thương cũng chưa thật hợp lý, làm cho nội dung quản lý nhà nước về ngoại thương trở nên đồ sộ, dự thảo Luật đã lên tới 115 điều. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần xem xét, sửa toàn diện Luật Thương mại năm 2005 và bổ sung thêm một số nội dung quản lý nhà nước về ngoại thương cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; không xác định, không tách ra thành một luật riêng về quản lý nhà nước về ngoại thương như dự thảo Luật; nên tách riêng chương IV của dự thảo Luật về phòng vệ thương mại thành một luật riêng về phòng vệ thương mại của Việt Nam, như vậy sẽ bảo đảm được tinh thần của Chính phủ hiện nay.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) phát biểu về phạm vi điều chỉnh, cho rằng có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng lại được thiết kế vào luật này khiến nội dung dự thảo Luật cồng kềnh, thêm quy định, chồng chéo; về cơ chế giải quyết tranh chấp cấp chính phủ phải được quy định chung cho tất cả các tranh chấp thương mại chứ không thể như trong dự thảo Luật quy định; vấn đề quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu còn chung chung và trao quyền ưu tiên cho pháp luật chuyên ngành và cho các bộ chuyên ngành là chưa hợp lý vì hiện nay có tới 12 bộ có quyền kiểm tra chuyên ngành, chưa có quy định nào thống nhất về việc kiểm tra chuyên ngành, về nguyên tắc, thời hạn áp dụng, phối hợp liên kết; về tên gọi, dự thảo Luật không chỉ đề cập tới nội dung quản lý mà còn đề cập tới nhiều biện pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển ngoại thương và phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân trong lĩnh vực ngoại thương, vì vậy đề nghị lấy tên gọi luật này là Luật Ngoại thương giống như tên gọi phổ biến của các luật chuyên ngành khác mà Quốc hội ban hành.

 

Vũ Sơn Tùng

(Đoàn ĐBQH tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày