Thứ 7, 24/05/2025, 09:16[GMT+7]

Quốc hội thảo luận dự án Luật Quy hoạch

Thứ 3, 22/11/2016 | 07:31:55
474 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, sáng ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch.

Ðại biểu Phạm Văn Tuân (Ðoàn Thái Bình) phát biểu tại hội trường.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Tuân (Ðoàn Thái Bình) cho rằng: Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để định hướng mục tiêu phát triển, xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình; là căn cứ để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược trong từng thời kỳ và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Song công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới, bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc thực hiện, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chi tiết triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể dẫn đến phải thay đổi nhiều lần. Vì vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch thời gian qua. Luật Quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ðể hoàn thiện và bảo đảm tính khả thi của Luật, đại biểu Phạm Văn Tuân tham gia một số nội dung như sau:

Thứ nhất, công tác quy hoạch thể hiện cả ở nội dung xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Song nhiều nội dung trong dự thảo Luật nghiêng nhiều về quản lý quy hoạch. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các quy định về nguyên tắc, trình tự tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Ðiều 4, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn các nguyên tắc trong dự thảo để bảo đảm tính dự báo, kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch như trong thời gian qua. Ðề nghị xem xét, bổ sung nguyên tắc “quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch; phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm tăng sự chênh lệch phát triển giữa các vùng, địa phương”.

Thứ hai, cần thiết phải lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, đồng thời tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh.

Về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cần làm rõ và cụ thể hơn theo hướng cấp quốc gia, cấp ngành, cấp vùng, cấp tỉnh. Vì vậy, nên quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; Chính phủ quyết định quy hoạch cấp ngành, cấp vùng; đối với cấp tỉnh, huyện, xã thì UBND các cấp trình HÐND cùng cấp phê duyệt quy hoạch. Quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp đã quy định Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề quan trọng của đất nước.

Mặt khác, đối với quy hoạch vùng, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ hơn cơ quan, tổ chức nào thực hiện trình tự lập, thẩm định quy hoạch vì nước ta không có cấp hành chính vùng.

Thứ ba, về tư vấn lập quy hoạch, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn lập quy hoạch với hình thức chỉ định hoặc thi tuyển trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Thứ tư, việc bỏ không quy định quy hoạch sản phẩm sẽ giúp loại bỏ giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này sẽ là việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang tính chất tự phát giữa các vùng miền, giữa các tỉnh; không tạo ra được những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm cây công nghiệp, làm mất cân đối cơ cấu sản phẩm như trong thời gian qua, sản phẩm sản xuất ra cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân… Ðề nghị xem xét, nghiên cứu cụ thể lại quy định này.

Thứ năm, về hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, ở cấp tỉnh chỉ còn một quy hoạch duy nhất là quy hoạch tỉnh; như vậy, quy hoạch tỉnh sẽ bao gồm tất cả các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đất đai… thuộc tỉnh. Do vậy, ngoài bản đồ quy hoạch chung bao quát tất cả các lĩnh vực của tỉnh cần quy định bổ sung các bản đồ quy hoạch cho từng ngành, địa phương, lĩnh vực cụ thể như quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi; quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp; quy hoạch thương mại dịch vụ; quy hoạch điện lực; quy hoạch sử dụng đất…

Thứ sáu, về thông tin và công bố quy hoạch, đề nghị bổ sung quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai tại UBND các cấp để nhân dân có thể theo dõi, tham gia giám sát quá trình thực hiện quy hoạch. Ðồng thời, bổ sung quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp không công bố công khai hoặc thông tin không đầy đủ về các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, một số quy định về quản lý nhà nước trong dự thảo rất chung chung, tính khả thi không cao, trong khi đó một số nội dung không cần thiết quy định như giao Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật về quy hoạch; ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; các hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND đã được quy định trong Luật Giám sát của Quốc hội, HÐND nên không nhất thiết phải quy định trong Luật này…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Ðoàn ÐBQH tỉnh)

 
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày