Thứ 6, 03/01/2025, 10:41[GMT+7]

Thảo luận tổ trước kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ 4, 06/12/2017 | 18:09:17
1,373 lượt xem
Chiều ngày 6/12, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XVI.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo luận tại tổ Thành phố. Ảnh: Thành Tâm.

Tham gia thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu tham gia ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, tờ trình được trình tại kỳ họp lần này. Ý kiến của các đại biểu góp ý đề nghị làm rõ kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017, đặc biệt là tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; nguyên nhân của các tồn tại hạn chế trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. 

Một số đại biểu cho rằng, tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm; công tác quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn, làng nghề và khu, cụm công nghiệp chưa được siết chặt còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khiến cử tri bức xúc kiến nghị.

Một số ý kiến cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng; quản lý thị trường; kiểm soát ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đưa nước sạch về nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự; việc thực hiện các dự án BOT, BT; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giảm tải trong các bệnh viện cũng được nhiều ý kiến thảo luận. 

Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công,  kiểm soát chặt chẽ  việc dạy thêm học thêm, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội quản lý học sinh ... 


Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự thảo luận tại tổ Đông Hưng. Ảnh: Thành Tâm.

Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; đăng ký nội dung phát biểu và chất vấn tại phiên họp ngày 8/12.


Phóng viên Báo Thái Bình đã ghi nhanh một số ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 6/12.

 

Đại biểu Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Căn cứ vào kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2017 và dự báo tình hình trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng mục tiêu, đề ra các giải pháp cụ thể đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thực hiện nhiệm vụ tích tụ đất đai và xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra cần sự quyết tâm lớn và giải pháp đồng bộ. Đặc biệt đối với mục tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 tăng 10% so với số xã được công nhận đạt chuẩn năm 2017 sẽ rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích, gắn với thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ và của tỉnh, phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới phải rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Những xã chưa đạt chuẩn phải xây dựng lộ trình cụ thể huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời quan tâm tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Tôi nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp UBND tỉnh đã đề ra về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tuy nhiên đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội hiện có nhiều vấn đề bức thiết đặt ra cần giải quyết. Đó là tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng. UBND tỉnh đã quyết định dừng thực hiện mô hình trường học mới nhưng hiện nay phụ huynh cũng băn khoăn một số trường đã triển khai dạy và học theo mô hình này rồi việc thì có tiếp tục hay không tiếp tục dạy, trong khi việc đánh giá chất lượng học sinh cuối năm, cuối cấp vẫn theo phương thức truyền thống. Tình trạng ô nhiễm môi trường, việc thu gom xử lý rác thải ở trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập… Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết cụ thể những vấn đề trên, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân

 

Đại biểu Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, thời gian qua huyện Thái Thụy đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch đã đạt tỷ lệ 68,1%. Tuy nhiên, một số xã tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 20%, nguyên nhân là do tiến độ thi công, lắp đặt đường ống cấp nước của doanh nghiệp chậm, cử tri phản ánh có hộ đăng ký 2 tháng nay mà vẫn chưa có nước sạch sử dụng, mặc dù huyện đã đôn đốc doanh nghiệp rất nhiều lần. Vì vậy, tôi kiến nghị, tỉnh và ngành Nông nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp huy động vật tư, nhân lực đẩy nhanh tiến độ đấu nối nước sạch, bảo đảm quyền lợi và tạo niềm tin đối với người dân, từ đó giúp huyện thực hiện được mục tiêu đến hết năm 2018 có 80% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

 

Đại biểu Phạm Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng

Năm 2017, sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì đà tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 19,21% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra 18,2%. Kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Song hiện nay, một số cụm công nghiệp được hình thành, đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, song tỷ lệ lấp đầy thấp, có cụm công nghiệp mới thu hút được một vài doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà xưởng và tổ chức hoạt động sản xuất. Đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Song tỉnh cũng cần lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư sử dụng nhiều lao động, hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. 

  

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Phụ

Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cải cách hành chính tỉnh; tăng cường chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và cắt giảm trên 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, có 206 thủ tục hành chính cắt giảm được từ 50% thời gian giải quyết trở lên. Tuy nhiên theo phản ánh của cử tri thì thủ tục hành chính của một số lĩnh vực còn rườm rà và tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm, nhất là về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát để đánh giá, đề xuất cắt giảm các thủ tục không còn phù hợp, rút ngắn tối thiểu các thủ tục và giảm tiếp thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cử tri còn ý kiến. 

 

Đại biểu Tô Quý Bôn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tiền Hải

Cử tri và đại biểu HĐND tỉnh rất phấn khởi về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 đều có căn cứ, sát với thực tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, đồng thời cần sự nỗ lực lớn của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh cần chỉ đạo ngành chuyên môn đánh giá toàn diện mặt được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện tích tụ ruộng đất, nâng cao hiệu quả  sản xuất trên diện tích đất đã tích tụ, định hướng cho bà con sản xuất những gì thị trường cần. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường  ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động. Giải quyết những vấn đề bất cập trong công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, quản lý chặt chẽ việc thu các khoản đóng góp trong trường học. Khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

  

Đại biểu Mai Xuân Hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ)

Những năm gần đây, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp phát triển như hỗ trợ giống cây trồng, vốn, quy vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Nhờ đó, năng suất, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, sản xuất nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với khó khăn về thiên tại, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, nhất là trong sản xuất lúa. Trong đó báo động là dịch bệnh rầy lưng trắng, lùn sọc đen trên lúa, đặc biệt là nạn ốc bươu vàng và chuột bọ phá hoại mùa màng hiện vẫn chưa có cách nào diệt trừ hiệu quả. Đề nghị tỉnh, huyện, ngành chuyên môn nghiên cứu, đề xuất giải pháp hữu hiệu giúp bà con nông dân diệt trừ sâu bệnh, chuột bảo vệ mùa màng.

TBĐT

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày