Thứ 2, 23/12/2024, 05:58[GMT+7]

Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVI: Nhiều ý kiến tham luận tại hội trường

Thứ 6, 08/12/2017 | 18:17:19
638 lượt xem
Tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVI, lãnh đạo các ngành, đơn vị và đại biểu đã tham luận nhiều nhiều vấn đề đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi ý kiến đó:

Ảnh: Thành Tâm

Ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Đến ngày 30/11/2017, số thu ngân sách địa phương 11 tháng thực hiện 12.190,6 tỷ đồng, đạt 123,2% dự toán năm. Thu nội địa thực hiện 5.622,5 tỷ đồng, đạt 92,8% dự toán năm, chiếm tỷ trọng 46% tổng số thu ngân sách địa phương. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2017 (bao gồm cả bội thu) dự kiến đạt 13.854,8 tỷ đồng, tăng 40% so với dự toán đầu năm. 

Để bảo đảm chủ động trong cân đối, điều hành ngân sách tháng cuối năm 2017, ngoài những giải pháp đã đề cập trong báo cáo trình tại kỳ họp HĐND tỉnh, Sở Tài chính đề nghị các cấp, các ngành đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước quyết liệt nhất, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung xử lý thu hồi nợ đọng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương chủ động tham mưu cho UBND các cấp quản lý chi ngân sách nhà nước đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. 

Năm 2018 là năm thứ 2 của thời kỳ ổn định ngân sách, dự toán thu, chi năm 2018 tiếp tục thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. 

Để bảo đảm cân đối ngân sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của địa phương, dự toán ngân sách địa phương năm 2018 sẽ được xây dựng trên các cơ sở: Bố trí đầy đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, đề án, các chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách trung ương; sắp xếp các nguồn kinh phí bố trí tăng chi; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước đối với các bệnh viện công lập gắn với lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ. 

Năm 2018 tăng lương cơ sở, dự kiến nhu cầu kinh phí tăng thêm là 163 tỷ đồng, để bảo đảm có nguồn thực hiện, Sở Tài chính đề nghị thực hiện đúng cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2018 từ một phần nguồn thu của cơ quan, đơn vị, tiết kiệm 10% số chi thường xuyên, 50% tăng thu ngân sách địa phương và nguồn cải cách tiền lương 2017 còn dư. Năm 2017, ngân sách cấp huyện và cấp xã dự kiến tăng thu từ các khoản thuế, phí và lệ phí là 179,9 tỷ đồng, đề nghị dành đủ 50% tăng thu chuyển sang năm 2018. Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2018, trường hợp HĐND cấp huyện, cấp xã quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng cao hơn mức cấp trên giao thì dự toán chi bố trí tăng thêm tương ứng, sau khi dành 50% thực hiện cải cách tiền lương, phần còn lại ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách địa phương để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách. Nguồn còn lại khả năng thực hiện đạt được dự toán thu mới phân bổ để chi cho những nhiệm vụ, chế độ, chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định, xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định.

Đại biểu Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Toàn tỉnh hiện có gần 3.200 thiết chế văn hóa tín ngưỡng có dấu hiệu di tích đã được kiểm kê, đang tiến hành đánh giá, phân loại, trong đó có 651 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia và 537 di tích cấp tỉnh.  Mỗi năm toàn tỉnh có gần 100 di tích được tu bổ, phục hồi, tôn tạo, cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng và quản lý chuyên ngành về di sản văn hóa. 20-25% nguồn vốn tu bổ, phục hồi, tái tạo di tích là của ngân sách còn lại là nguồn xã hội hóa. 

Toàn tỉnh hiện có 493 lễ hội, trong đó 3 lễ hội cấp huyện trực tiếp quản lý, 188 lễ hội do cấp xã quản lý, 302 lễ hội do cơ sở tự quản lý dưới sự quản lý của UBND cấp xã. Có 7 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đang từng  bước đi vào nền nếp. Tất cả các lễ hội đều thành lập được ban tổ chức, ban khánh tiết, phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính, phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được coi trọng và có nhiều chuyển biến; người dân, khách thăm quan, hành lễ tại di tích có ý thức hơn trong giữ gìn, bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường. 

Tuy nhiên, công tác quản lý di tích còn bộc lộ một số hạn chế như còn để xảy ra tình trạng một số di tích bị xâm phạm về đất đai hoặc ngược lại tự ý mở rộng khuôn viên di tích, xây dựng công trình mới, đưa hiện vật lạ vào di tích khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý nhà nước về di tích, lễ hội còn nhiều bất cập, còn chồng chéo gây khó khăn cho hoạt động thẩm định, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, gây tâm lý né tránh, ngại lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng nhân dân địa phương có di tích, người trông coi, quản lý di tích còn nhiều hạn chế...

Để nâng cao hiệu quả quản lý di tích, tổ chức lễ hội, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ  quản lý nhà nước về văn hóa bằng cách tổ chức tập huấn, lựa chọn, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, đúng chuyên  môn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ sớm tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý di tích và lễ hội trên địa bàn; tiếp tục tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội hóa đóng góp, kết hợp bố trí hợp lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng, nhất là di tích đã xuống cấp; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo vệ giá trị cốt lõi của di tích; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành định kỳ, đột xuất với di tích và việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm vi phạm.

Ông Phạm Văn Thịnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

Thời gian qua, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được hệ thống tòa án trong tỉnh quán triệt và thực hiện nghiêm. Do vậy, các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác xét xử cơ bản được thực hiện tốt, chất lượng xét xử từng bước được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm, không có trường hợp nào bị xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội. Tỷ lệ hòa giải thành đạt 56,7% tổng số vụ án. Năm 2017, hệ thống tòa án trong tỉnh đã tổ chức được 71 phiên tòa rút kinh nghiệm; qua đó những thiếu sót, hạn chế trong xét xử dần được khắc phục, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp được nâng lên. 

Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp hiện còn một số hạn chế như: Kỹ năng điều khiển xét xử án hình sự, chất lượng tranh tụng ở một số phiên tòa chưa cao; tỷ lệ giải quyết án dân sự còn thấp; thời gian giải quyết một số vụ án hành chính còn kéo dài; cơ sở vật chất của phòng xử án chưa đáp ứng theo tinh thần cải cách tư pháp…

 Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, thời gian tới, hệ thống tòa án các cấp cần tổ chức đổi mới theo hướng Hội đồng xét xử độc lập, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp với Trường Đại học Thái Bình tổ chức các phiên tòa thực tế vừa để rút kinh nghiệm trong xét xử vừa phục vụ công tác học tập của sinh viên khoa Luật và góp phần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định về công khai chứng cứ vụ án; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án; tăng cường công tác hòa giải và công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử cho đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động của tòa án trong tình hình mới…

Đại biểu Đỗ Năng Hoạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh

Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, đạt hiệu quả. Việc phân bổ vốn bảo đảm công khai minh bạch, đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cơ bản thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của nhà nước. Công tác quản lý chất lượng các công trình sử dụng vốn đầu tư công được tăng cường. Trong năm 2017, đã có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thực hiện phân cấp quản lý nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương cho các huyện, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động bố trí, sắp xếp vốn đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngân sách và các doanh nghiệp xây dựng. 

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước thời gian qua còn có khó khăn do văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công chưa đồng bộ, thiếu thống nhất; nguồn vốn của trung ương không cân đối đủ cho dự án dẫn đến ngân sách tỉnh phải đối ứng cao; việc giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án… 

Để thực hiện tốt công tác quản lý vốn nhà nước cần tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong công tác triển khai các dự án; phân bổ vốn cần chú ý đến các công trình đê điều kết hợp giao thông, trường học, bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sử dụng; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, tính toán các hạng mục công trình để phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp; các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác quy hoạch xây dựng và xây dựng kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh phương thức đấu giá quyền sử dụng đất ở từng địa bàn cụ thể; mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư…

Đại biểu Nguyễn Sỹ Tạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy

Chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được  các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện quyết liệt như hiện nay. Đến nay, tỷ lệ hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch của huyện Thái Thụy đạt 72,03%. Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy có 83,78% hội viên sử dụng nước sạch. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình nước sạch nông thôn tôi thấy gặp một số khó khăn, vướng mắc đó là: do thói quen sử dụng nguồn nước tự nhiên nên bà con chưa nhận thấy hết lợi ích của việc sử dụng nước sạch; điều kiện kinh tế của một số hộ dân còn hạn chế nên dù tích cực tuyên truyền nhưng một bộ phận dân cư nông thôn chưa tích cực hưởng ứng và chưa có điều kiện tiếp cận với nước sạch. Tiến độ lắp đặt đường ống và đấu nối, sử dụng nước sạch cho người dân của doanh nghiệp còn chậm, nhân dân phải chờ đợi lâu mà chưa có nước sạch sử dụng. Mức tiền đóng góp ban đầu để đấu nối, sử dụng nước sạch từ 2,5 đến 3 triệu đồng cao so với mức thu nhập của một số hộ dân. Chất lượng nước của một số dự án chưa bảo đảm, để nhân dân phàn nàn là chưa sạch. 

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, tôi đề  nghị các doanh nghiệp có cơ chế tháo gõ khó khăn cho người sử dụng nước bằng cách giảm giá tiền đấu nối nước sạch ban đầu, cho người dân nộp tiền thành nhiều lần hoặc trừ dần vào tiền nước hàng tháng. Có lộ trình điều chỉnh giá nước cho phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Các nhà máy phải bảo đảm chất lượng nước, công khai quy trình công nghệ, mời nhân dân đến thăm quan nhà máy để bà con tin tưởng, tích cực sử dụng. Tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công, đấu nối nước sạch cho bà con không để bà con phải chờ đợi lâu gây bức xúc trong nhân dân.

TBĐT

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày