Chủ nhật, 24/11/2024, 23:34[GMT+7]

Đại biểu hỏi - Thủ trưởng ngành trả lời Thẳng thắn và trách nhiệm (Kỳ 3)

Thứ 3, 31/07/2018 | 08:26:17
1,247 lượt xem
Trong các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây, vấn đề tài nguyên và môi trường luôn nhận được nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu. Tại kỳ họp thứ sáu, đồng chí Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được câu hỏi chất vấn về những vấn đề nóng của ngành.

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Tăng cường xử lý nước thải, chất thải tại các cụm công nghiệp

Đại biểu Lê Hồng Sơn (tổ Hưng Hà) đã chất vấn về thực trạng việc xử lý nước thải, chất thải rắn tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh như thế nào và số CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm tiêu chuẩn là bao nhiêu? Nguyên nhân của các tồn tại và biện pháp tham mưu của ngành trong việc khắc phục những tồn tại trong thời gian tới. 

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 28 CCN đang hoạt động. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng của các CCN rất hạn chế, trong đó hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung hầu hết chưa được quan tâm, đến nay chỉ có 2 CCN có hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Các CCN khác chưa có trạm xử lý nước thải tập trung và khu tập kết chất thải rắn bảo đảm quy định. Việc xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong CCN hầu hết đều là tự đầu tư xử lý nên rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ hoặc có ý kiến của nhân dân về việc gây ô nhiễm môi trường và xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả, những tháng đầu năm 2018 đã thanh tra, xử phạt 5 doanh nghiệp ở CCN Thái Phương với số tiền 955 triệu đồng. 

Theo đồng chí Trần Ngọc Tuấn, nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các CCN hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều chủ đầu tư không cao, còn hiện tượng trốn tránh, gian lận trong xử lý chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thải ra môi trường. Công tác phối hợp chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư CCN của các huyện, thành phố chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạng mục xử lý nước thải tập trung. Các CCN hiện nay chủ yếu do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, nguồn lực ngân sách bố trí để xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường còn hạn chế, trong khi hoạt động thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng chí Trần Ngọc Tuấn cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, không chấp thuận đầu tư, triển khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, đặc biệt là xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và huy động mọi nguồn lực để quản lý, vận hành các công trình bảo vệ môi trường tại các CCN. Đôn đốc các huyện, thành phố tập trung thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng các CCN ở địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt, căn cứ khả năng thu hút đầu tư và nguồn vốn đầu tư lựa chọn CCN để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các CCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá tác động môi trường. Phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về Quyết định số 1370 ngày 11/6/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2018 - 2020, trong đó ưu tiên cho các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bảo vệ môi trường.

Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh giám sát việc xử lý nước thải tại các cụm công nhiệp.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn tại sao chậm?

Đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về việc: Cử tri có phản ánh dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (VLAP) khởi động từ cuối năm 2008 và đã hoàn thiện trên địa bàn thành phố Thái Bình và 4 huyện: Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Vũ Thư và Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng kết dự án nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nguyên nhân do đâu? Sở có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. 

Theo trả lời của đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015, Thái Bình triển khai thực hiện dự án VLAP tại địa bàn 150 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Vũ Thư và thành phố Thái Bình. Kết quả thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính 86.677ha, đạt 54,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; tổ chức xét duyệt 546.723 hồ sơ đăng ký; cấp được 369.243 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 86% theo kế hoạch; trong đó, đất ở 100.730 giấy, đất nông nghiệp 268.513 giấy, số hồ sơ còn lại không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận 177.480 hồ sơ; đã trao cho người sử dụng đất 295.704 giấy chứng nhận, đạt 80% số giấy chứng nhận đã ký. Cơ sở dữ liệu địa chính được thực hiện ngay sau khi hoàn thành công tác đo đạc, đăng ký đất đai, mô hình cơ sở dữ liệu tập trung tại tỉnh được thiết kế và vận hành tại 8/8 huyện, thành phố. 

Theo hiệp định ký kết giữa Ngân hàng Thế giới với Chính phủ Việt Nam, dự án kết thúc vào ngày 30/6/2015, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các trường hợp này chủ yếu là cấp giấy chứng nhận đất ở nông thôn do một số nguyên nhân. Trước hết, các trường hợp người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định nhưng dù phòng tài nguyên và môi trường các huyện đã có văn bản đề nghị UBND các xã thông báo tới người sử dụng đất và công khai tại trụ sở UBND xã nhưng người dân vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính để được cấp giấy chứng nhận. 

Đối với huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, dự án được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003, việc ký giấy chứng nhận được thực hiện đồng thời với việc chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên hiện nay còn 15.932 giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao được cho người sử dụng đất do chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. 

Đối với huyện Tiền Hải và Vũ Thư việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được ký sau khi người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hiện nay, còn khoảng 41.000 hồ sơ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính giao cho địa phương để tiếp tục thông báo cho người sử dụng đất thực hiện theo quy định. Hồ sơ đã tổ chức kê khai đăng ký và xét duyệt tại các cấp nhưng không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do một số nguyên nhân. Trước hết, về nguồn gốc đất đai thì hầu hết người sử dụng đất do ông cha để lại không có giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất. Thứ hai, trong thời gian thực hiện dự án, việc hoàn thiện các thủ tục dân sự của người sử dụng đất như: thừa kế, cho tặng, phân chia tài sản của người sử dụng đất cũng rất chậm do gia đình có người đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương. Một số trường hợp được giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất nhưng trên giấy tờ không ghi rõ diện tích được giao.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay dự án đã kết thúc nên không thể tiếp tục cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo dự án. Để tháo gỡ vấn đề trên thì chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích đối với những trường hợp sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các hồ sơ kê khai đăng ký và tổ chức xét duyệt chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (đã bàn giao về UBND xã) do người sử dụng đất chưa hoàn thiện các thủ tục dân sự nay đã hoàn thiện được hồ sơ đề nghị người sử dụng đất nộp hồ sơ tại trung tâm hành chính công cấp huyện để thực hiện cấp giấy chứng nhận thường xuyên theo quy định.

Giải quyết tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu đô thị

Cũng liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng người dân trong các dự án khu đô thị khi xây nhà tự ý lấn vùng lưu thông, đất công cộng nên đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề này Sở sẽ tham mưu với tỉnh xử lý như thế nào? 

Theo đồng chí Trần Ngọc Tuấn: Hiện nay ở một số dự án khu đô thị người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do các hộ này tự ý xây nhà lấn phần đất lưu không và đất công cộng dẫn đến việc diện tích đất trên giấy tờ tăng so với diện tích đất sử dụng thực tế. Việc xây lấn này trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư quản lý không chặt chẽ. Để bảo đảm quyền lợi cho các hộ và để các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư cần tiến hành rà soát, thống kê lại thực trạng, báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phù hợp, chuyển mục đích từ đất công cộng sang đất ở và xác định nghĩa vụ tài chính đối với các hộ dân, sau đó báo cáo UBND tỉnh và được phê duyệt sẽ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(còn nữa)
Nguyễn Hình - Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày