Thứ 6, 03/05/2024, 23:18[GMT+7]

Vĩnh Phúc: Lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi)

Thứ 4, 12/09/2018 | 10:03:40
479 lượt xem
Ngày 7/9/2018, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Trường Khanh

Đồng chí Trần Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo luật đã bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều. Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 chương, 40 điều; trong đó, giữ nguyên số chương và bổ sung 4 điều so với Luật Đặc xá năm 2007.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về từ ngữ, cấu trúc văn bản và một số điều quy định của hai dự thảo luật cần phải minh bạch, ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Cụ thể, đối với Luật Công an nhân dân (sửa đổi), tại Điều 25 quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân, các đại biểu cho rằng, không nên mở rộng đối tượng phong tướng, mà cần quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, bảo đảm tương đương với quân hàm trong Quân đội nhân dân.

Với khoản 2, Điều 17, hầu hết các ý kiến cơ bản nhất trí về chính quy lực lượng công an xã và thị trấn, song cần phải có lộ trình phù hợp và điều kiện chuyển tiếp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến về việc bổ sung điều cấm đối với Công an nhân dân; quy định cụ thể hơn cho chức năng, quyền hạn của công an từng cấp và thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm trong Công an nhân dân.

Đối với Luật Đặc xá (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về thời điểm, điều kiện và đối tượng đặc xá. Các đại biểu cơ bản nhất trí quy định về thời điểm đặc xá nhân sự kiện trọng đại và ngày lễ lớn của đất nước được quy định tại Điều 5 của Dự thảo luật.

Đối với Điều 11 của Dự thảo luật về điều kiện được đặc xá, các đại biểu cho rằng, cần phải có quy định cụ thể hơn, đặc biệt là quy định tại điểm đ khoản 1, điều kiện đặc xá “không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”, quy định này rất khó để thực hiện và dễ phát sinh tiêu cực tại địa phương.

Về đối tượng được đặc xá, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Điều 19 Dự thảo luật về quyết định đặc xá đối với người nước ngoài. Đại biểu đề nghị cân nhắc điều kiện được đặc xá đối với người nước ngoài phải có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đến nhận người được đặc xá.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đóng góp về việc tăng thời hạn xác minh hoàn tất thủ tục đặc xá từ 10 ngày lên 15-20 ngày để đảm bảo chính xác, khách quan; cân nhắc, xác định rõ hơn về trách nhiệm của Chính phủ (Điều 25), trách nhiệm Hội đồng tư vấn đặc xá (Điều 26) và trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành (Điều 28) trong việc thực hiện đặc xá.

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Trần Văn Tiến tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Những ý kiến tại hội nghị sẽ được Văn phòng đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo baovinhphuc.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày