Thứ 2, 25/11/2024, 00:37[GMT+7]

Hưng Yên: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết của hđnd tỉnh, thành phố về lĩnh vực kinh tế, ngân sách

Thứ 6, 21/09/2018 | 09:27:44
1,021 lượt xem
Chỉ sau 21 năm tái lập, Hưng Yên đã có sự phát triển nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội, thu ngân sách gấp 150 lần ngày tái lập. Năm 2017, Hưng Yên trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; thu hút đầu tư tăng mạnh.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hưng Yên giám sát về tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nợ đọng xây dựng cơ bản nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng tại huyện Phù Cừ.

Thành công này có được một phần là do HĐND tỉnh Hưng Yên ngày càng chú trọng, chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định và giám sát tình hình thực hiện các vấn đề kinh tế, ngân sách của tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện 6 cuộc giám sát về: việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng; công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; công tác quản lý và sử dụng đất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; việc quản lý, sử dụng vốn sự nghiệp môi trường và công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp rời lẻ trên địa bàn tỉnh; việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu theo quy định tại một số đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý và sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã có 92 kiến nghị xác đáng giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp và cơ quan liên quan tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém, thực hiện đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt năm 2017, HĐND tỉnh giám sát về việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Qua kết quả giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương chấn chỉnh lại công tác quản lý đầu tư công và rà soát lại toàn bộ tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn để bố trí thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Sau 1 năm thực hiện nghị quyết về kết quả giám sát, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn chuyển biến tích cực, nợ đọng xây dựng cơ bản được bố trí vốn thanh toán, công tác quyết toán các công trình hoàn thành cũng đã được tập trung giải quyết bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua, Thường trực HĐND, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện tốt hơn, nhưng chưa thật đầy đủ các vấn đề mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các vấn đề tài chính. Đặc biệt là quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách, giám sát tình hình chấp hành ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, hoạt động giám sát của HĐND về tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND về nhiệm vụ kinh tế, tài chính - ngân sách, về chấp hành ngân sách còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát còn thấp, chưa đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kỳ vọng của nhân dân, của cử tri trong tỉnh.


Để HĐND bảo đảm được thực quyền và nâng cao chất lượng trong các hoạt động giám sát liên quan đến kinh tế, tài chính - ngân sách, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên nhận thấy cần phải có một số điều kiện, giải pháp cơ bản sau: các công tác chuẩn bị cho hoạt động giám sát về kinh tế - ngân sách của HĐND phải đúng quy định của luật pháp, nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện. Thông tin và những nhận định, đánh giá phải khách quan, chính xác và có độ tin cậy. Công tác xem xét, thẩm tra của các ban HĐND, trước hết là của Ban Kinh tế - Ngân sách, hoạt động giám sát theo các phương thức của HĐND, của Thường trực HĐND, của các ban và của đại biểu HĐND tỉnh phải đúng quy trình, công khai, chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng và thực sự khách quan. Ý kiến thẩm tra, đánh giá, ý kiến kết luận và đề xuất của từng cuộc giám sát phải toàn diện, vừa mang tính bao quát, vừa sâu sắc; thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm tra, của đoàn giám sát với những nhận định, phân tích và lý giải có căn cứ, có tính thuyết phục; giúp cho đại biểu HĐND có định hướng trong thảo luận, có cơ sở hình thành các ý kiến độc lập và bày tỏ thái độ; đồng thời cung cấp các thông tin đa chiều, các nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía, trong quá trình thảo luận và đưa ra các quyết định. Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và tham gia hoạt động giám sát với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ, cởi mở và thẳng thắn. Xem xét và đưa ra các ý kiến, quyết định với quan điểm toàn cục, nhưng sâu sắc và cụ thể, có tính tới thực tế và tính khả thi của các giải pháp, các quyết định. Ban Kinh tế - Ngân sách với tư cách là cơ quan chủ trì cần chủ động phối hợp với các ban của HĐND, các cơ quan liên quan như Kho bạc Nhà nước, cơ quan Kiểm toán, Thanh tra… có vai trò quan trọng trong việc giúp và tham mưu cho HĐND và Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định, tổ chức các hoạt động giám sát các vấn đề kinh tế - ngân sách cần phải có nhận thức đầy đủ và đúng mức, chuyên môn sâu về kinh tế, tài chính; cần nắm được nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế hàng năm và 5 năm, 10 năm của địa phương; khả năng huy động nguồn lực tài chính, dự toán ngân sách, về từng loại thu, từng lĩnh vực chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, mức kết dư ngân sách... để tham mưu cho HĐND thảo luận và quyết định về phương án phân bổ ngân sách cho các cấp ngân sách, quyết định danh mục các chương trình dự án, các công trình xây dựng cơ bản quan trọng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước… đó là nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp của HĐND; một nhiệm vụ vừa mang tính cụ thể, vừa thể hiện vai trò điều tiết kinh tế và khẳng định vị thế và nâng cao trách nhiệm của HĐND trước nhân dân, củng cố lòng tin đối với dân về thực quyền của HĐND và góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế, tài chính. Tham mưu cho HĐND tỉnh giám sát việc tuân thủ luật pháp kinh tế, tài chính, tính hiệu quả, tính thực tiễn của các chủ trương, giải pháp, các chính sách kinh tế, tài chính - tiền tệ trong đời sống kinh tế - xã hội; tình hình chấp hành nghị quyết của HĐND, tình hình chấp hành ngân sách, chấp hành kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đại biểu HĐND; công tác quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ chuyên trách và đội ngũ tham mưu giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên các lĩnh vực hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là lĩnh vực kinh tế - ngân sách.

Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày