Thứ 2, 25/11/2024, 09:10[GMT+7]

Chất vấn và trả lời chất vấn dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm (Kỳ 2)

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:53:57
853 lượt xem
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn thủ trưởng 5 ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an về những vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, làm sáng tỏ nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Ngọc Linh

Nhiều giải pháp tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Quang Hiệp, tổ Hưng Hà chất vấn đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương nội dung: Theo báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp, tốc độ và chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ năm 2018 có dấu hiệu chậm hơn so với các năm trước và 6 tháng đầu năm 2018. Thậm chí, giá trị sản xuất ngành dịch vụ không đạt kế hoạch đề ra, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết trách nhiệm và giải pháp của ngành để khắc phục tình trạng trên?

Sản xuất tại Xí nghiệp May Thái Hà (Công ty May 10).

Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2018, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Giá trị sản xuất ước đạt 56.679,9 tỷ đồng, tăng 17,72% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 15,8%). Trong 23 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 18 sản phẩm tăng, 5 sản phẩm giảm so với năm 2017. Thế mạnh của tỉnh là sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may có tốc độ tăng trưởng khá cao với sự đóng góp của các doanh nghiệp mới như: Công ty TNHH Xây dựng Trường Tú, Công ty TNHH Thương mại và tổng hợp Vinh Chinh, đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP... Đặc biệt, ngành điện đóng góp khoảng 6% trong tổng năng lực tăng thêm của ngành.

Dây chuyền kéo sợi của Công ty Cổ phần Damsan.

Đối với lĩnh vực  thương mại, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2018 ước đạt 40.212 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2017,  đạt 98,1% kế hoạch đề ra. Theo lý giải của đồng chí Giám đốc Sở Công Thương thì: Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại năm 2018 tăng thấp hơn so với năm 2017 là do: Năm 2017 có 2 dự án lớn là trung tâm thương mại Vincom và Mediamart đi vào hoạt động. Năm 2018, không có dự án lớn nào đi vào hoạt động. Sự biến động của chỉ số giá và giá vốn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Để tăng giá trị của ngành Công nghiệp và thương mại lên cao hơn nữa, năm 2019, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung chỉ đạo doanh nghiệp rà soát, cắt bỏ hoạt động sản xuất yếu kém, đầu tư mở rộng, đầu tư mới hoạt động sản xuất hiệu quả, khuyến khích đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Tích cực triển khai tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án thuộc ngành Công Thương đã được phê duyệt. Tổ chức chương trình bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán, phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh năm 2019. Tham mưu với UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo và đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Giao ban, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện các dự án của các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng tiến độ và tiếp tục đầu tư mới vào tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổ chức hiệu quả hoạt động khuyến công, khuyến thương hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đầu tư máy móc thiết bị; trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tăng cường hoạt động xúc tiến xuất khẩu; chú trọng khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu lớn tiềm năng, các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, cùng với việc xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến như lúa, ngao, rau quả. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục hành chính trên lĩnh vực Công Thương đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Đẩy mạnh tái cơ cấu để sản xuất nông nghiệp bền vững

Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVI, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn nhận được sự quan tâm, kiến nghị của nhiều đại biểu và cử tri. Đại biểu Đặng Văn Đằng, tổ Quỳnh Phụ chất vấn đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay gặp nhiều khó khăn, nông dân chưa thực sự gắn bó với đồng ruộng. Phản ứng của ngành Nông nghiệp tham mưu các giải pháp còn chậm, trách nhiệm của ngành như thế nào? 

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 có mục tiêu chung là: tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị, tăng chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, nhất là doanh nghiệp và các hộ nông dân. 

Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đã nêu 13 nhóm giải pháp và hướng đột phá cần tập trung thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3382/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 về việc phê duyệt 5 hướng đột phá nhằm thực hiện đề án: xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao tại các vùng sinh thái; xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; hình thành khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực quản trị và lao động tay nghề cao cho nông nghiệp, nông thôn; hình thành chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các nhóm giải pháp và hướng đột phá đã được triển khai, thực hiện quyết liệt trong thời gian qua và cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 đạt 3,08% (cao hơn đề án đề ra về tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 2,5%). Đến năm 2018, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản là 14.440,4ha. Thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án có quy mô diện tích lớn, tổng mức đầu tư cao mà điển hình là dự án đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp của liên doanh Tập đoàn Trường Hải và Lộc Trời, dự án trồng rau xuất khẩu của Tập đoàn TH, dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco. Chuyển đổi 3.418ha từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm khác có giá trị cao hơn, chủ yếu là ngô ngọt, ngô giống, rau, dưa xuất khẩu... Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi đều cao hơn so với trồng lúa từ 2 - 3 lần. Toàn tỉnh hiện có 128 xã triển khai được 185 cánh đồng lớn với tổng diện tích 15.312ha, trong đó diện tích trồng lúa là 14.616ha, chiếm 95,4%. Diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên 9.000ha. Có 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất và tiêu thụ nông sản. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành như áp dụng thành công công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh từ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trồng rau thủy canh... Bên cạnh đó, một số chuỗi sản xuất và liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cũng đã được hình thành, hoạt động hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt với 200 xã (đạt 75,8% tổng số xã) và 1 huyện đạt chuẩn. Toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2019 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hết năm 2020 có 100% huyện đạt chuẩn và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình nước sạch nông thôn của Thái Bình dẫn đầu toàn quốc với 100% số hộ được dùng nước sạch. Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vẫn còn một số mục tiêu không đạt như: tỷ trọng các ngành trong tổng cơ cấu nông, lâm, thủy sản, tổng diện tích được tích tụ với quy mô 2ha trở lên (mục tiêu đến năm 2020 đạt trên 50%; diện tích trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; chế biến nông sản và sản lượng tiêu thụ qua hợp đồng; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chuyển dịch một nửa lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp... 

Cánh đồng 4 vụ/năm ở xã An Châu (Đông Hưng).

Nguyên nhân chủ yếu được đồng chí Giám đốc Sở chỉ ra là: Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh thấp dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn cho việc thực hiện cơ giới hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn tiêu thụ khó khăn bởi chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn, tập trung, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ven biển đã hết hạn thuê đất nhưng chưa được gia hạn nên người dân không cải tạo, nâng cấp vùng nuôi trồng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cũng theo đồng chí Phạm Văn Dụng, thời gian qua cử tri kiến nghị một số hộ dân không thực sự gắn bó với đồng ruộng, bỏ ruộng đi làm nghề khác. Tuy nhiên, xét trên bình diện tích cực đây là tín hiệu tốt chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, tạo cơ hội và điều kiện để các địa phương tập trung, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất hàng hóa. 

Để khắc phục các khó khăn, hạn chế, đồng thời thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp sau: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, cho phép thực hiện thí điểm tích tụ ruộng đất của Thái Bình. Tiếp tục thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất. Duy trì, thực hiện và nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung, tích cực hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thái Bình. Xây dựng các hiệp hội ngành Nông nghiệp giữa các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Công Thương nhằm thông tin, phát triển thị trường sản phẩm nông, lâm, thủy sản... Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ 2 dự án lớn, tiêu biểu là Tập đoàn Thaco và Tập đoàn TH đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện quy hoạch thủy lợi phục vụ tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; tăng thêm nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là kinh phí nhà nước hỗ trợ cho diện tích đất trồng lúa cần được đầu tư thực hiện theo quy định.

(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày