Thứ 4, 01/05/2024, 13:30[GMT+7]

Tăng trách nhiệm và hiệu quả chất vấn (Kỳ 1)

Thứ 5, 21/03/2019 | 08:22:41
782 lượt xem
Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVI, các đại biểu đã chất vấn thủ trưởng 8 sở, ngành về những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc. Sau khi trả lời trực tiếp tại hội trường, các sở, ngành đã tập trung giải quyết những vấn đề đại biểu và cử tri nêu, báo cáo kết quả với HĐND tỉnh. Điều này đã thể hiện vai trò giám sát của HĐND tỉnh và đại biểu theo đến cùng vấn đề chất vấn cũng như trách nhiệm của các sở, ngành trước những vấn đề quan trọng, bức thiết của đời sống xã hội.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng điện tử. Ảnh: Khắc Duẩn

Kỳ 1: Kiểm soát và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn gặp nhiều khó khăn

Đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Công Thương: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán và lưu thông công khai, gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình trên, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành và giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng trên?

Theo đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương: Ngay sau kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XVI, Sở đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, tập trung nhiều vào mặt hàng giả, hàng kém chất lượng như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vật tư nông nghiệp, LPG; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền và hành nghề y trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tập trung điều tra, trinh sát, nắm bắt tình hình thị trường, tăng cường phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm về lĩnh vực sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Kết quả, đã tổ chức 1.982 lượt kiểm tra đối với các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, vật tư nông nghiệp, kinh doanh gas, y dược, kinh doanh phụ tùng xe máy; qua kiểm tra đã xử lý 704 vụ, xử phạt trên 2,1 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều loại hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép sử dụng. 

Điển hình, ngày 1/8/2018, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống của bà Nguyễn Thị Thủy (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Qua kiểm tra phát hiện bà Thủy hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị. Đội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy 257kg thực phẩm tươi sống bị ôi thiu, biến đổi màu sắc. 

Ngày 24/8/2018, đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đoàn Thị Hương, địa chỉ số 35, phố Hoàng Hoa Thám, thành phố Thái Bình kinh doanh mỹ phẩm với hành vi vi phạm: kinh doanh mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt 30 triệu đồng. Cửa hàng tự tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm là 601 hộp thuốc nhuộm tóc các loại, 4 lọ sơn móng tay. 

Ngày 19/9/2018, đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt cơ sở thuốc Nam Bắc Trần Huy Vụ, số 170, Trần Hưng Đạo, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ kinh doanh dược liệu với 2 hành vi vi phạm. Hành vi thứ nhất là buôn bán dược liệu Hoàng Cầm qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, xử phạt 7,5 triệu đồng. Hành vi thứ hai là kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, xử phạt 13,5 triệu đồng.

Mặc dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, tuy nhiên, theo đồng chí Giám đốc Sở Công Thương: Hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về lĩnh vực chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của các lực lượng chức năng vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên và gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành về công tác này có lúc còn hạn chế, nhất là ở cấp xã chưa vào cuộc tích cực trong quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện, vẫn để những cơ sở kinh doanh không bảo đảm điều kiện kinh doanh hoạt động. Lực lượng QLTT ở các huyện, thành phố mỏng trong khi ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm tham gia công tác chống hàng giả của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Mặt hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bán theo mùa vụ, nhiều cơ sở kinh doanh không bảo đảm điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, chứng chỉ chuyên môn và các trang thiết bị nên số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định còn thấp so với thực tế. Đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp, để xác định có kém chất lượng hay không phải đi phân tích, kiểm nghiệm trong khi quy trình lấy mẫu phức tạp, kinh phí phục vụ giám định kiểm nghiệm cao, thời gian hạn chế... nên khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, thời gian tới, Sở Công Thương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng nâng cao nhận thức, thấy rõ sự nguy hại của hàng giả, hàng kém chất lượng; thường xuyên thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc điển hình nhằm tăng tính giáo dục và răn đe. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp và các mặt hàng thiết yếu không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo đội QLTT các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức điều tra, trinh sát, nắm bắt tình hình thị trường trên địa bàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ chức đặt các hòm thư, công khai địa chỉ, điện thoại đường dây nóng thu thập thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng về những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân, kịp thời tổ chức xác minh, kiểm tra và xử lý các vi phạm.

(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày