Thứ 4, 01/05/2024, 16:09[GMT+7]

Tăng trách nhiệm và hiệu quả chất vấn (Kỳ 2)

Thứ 6, 22/03/2019 | 08:26:12
450 lượt xem

Nông dân xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) tích tụ ruộng đất trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỳ 2: Sớm thực hiện đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (tổ Thái Thụy) chất vấn đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện chủ trương của tỉnh về tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, một số địa phương đã triển khai xuống cơ sở, được nhân dân rất đồng tình ủng hộ nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị đồng chí cho biết chủ trương và biện pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện như thế nào? 

Trả lời chất vấn, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cơ chế tích tụ đất đai được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tạo ra khối lượng sản xuất hàng hóa nông nghiệp đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Tập trung tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều văn bản và nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề này. Ngày 31/8/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Nam thực hiện thí điểm cơ chế tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào nông nghiệp tập trung. Về việc này, UBND tỉnh đã xây dựng đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thẩm định trình Chính phủ; sau khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền về đề án của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. 

Như vậy, đến nay các cơ quan trung ương vẫn chưa có ý kiến, quyết định về đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Cuối năm 2018, Chủ tịch Quốc hội về thăm và làm việc tại Thái Bình đã giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội và phối hợp với Văn phòng Quốc hội xây dựng chương trình để Quốc hội thảo luận quyết định cho phép thực hiện thí điểm đối với đề án nói trên. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ về thăm và làm việc tại Thái Bình. Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị về vấn đề này, hầu hết các bộ trưởng đều đồng tình ủng hộ việc Thái Bình thực hiện đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai và cho rằng đây là xu thế tất yếu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đề nghị sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin: Đề án đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất làm căn cứ để Thái Bình triển khai thực hiện. Do vậy, việc giải quyết ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh và của cử tri đến nay chưa được thực hiện bởi cấp có thẩm quyền chưa quyết định về đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai của Thái Bình. 

Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thời gian qua, Thái Bình vẫn đẩy mạnh tập trung tích tụ đất đai. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện tập trung, tích tụ được trên 15.312ha, chiếm 18% đất trồng cây hàng năm; xây dựng được 185 cánh đồng mẫu. 210 HTX đã thực hiện việc liên kết giữa các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất, tiêu thụ nông sản. Diện tích đất nông nghiệp tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.348ha; diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm chiếm trên 60% diện tích ruộng đất được tích tụ, tập trung. 

Như vậy, mặc dù đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai của tỉnh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng hiện nay giữa bên có nhu cầu thuê và bên có nhu cầu cho thuê đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn diễn ra theo quy định của pháp luật. Hiệu quả của những mô hình tích tụ đất đai sẽ là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi hơn khi đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình” được phê duyệt và triển khai thực hiện. 

(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày