Thứ 2, 25/11/2024, 11:37[GMT+7]

Tăng trách nhiệm và hiệu quả chất vấn (Kỳ 3)

Thứ 2, 25/03/2019 | 08:29:51
673 lượt xem

Trạm xử lý nước thải của Công ty Texhong. Ảnh: Minh Nguyệt

Kỳ 3: Xử lý nước thải, chất thải rắn trong các cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn

Đại biểu Lê Hồng Sơn (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động đã thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn bảo đảm đúng tiêu chuẩn? Số CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn, nguyên nhân và biện pháp khắc phục? 


Theo đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Quy hoạch phát triển khu, CCN tỉnh Thái Bình đến năm 2020 là 50 CCN (trong đó 48 CCN nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020). Hiện nay có 28 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy thấp, trung bình 15 - 20%, trong đó 19 CCN có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các CCN là rất hạn chế, chủ yếu có nhà đầu tư thứ cấp đến đâu thì làm đến đó, trong đó hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung chưa được quan tâm. Đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 2 CCN có hạ tầng xử lý nước thải tập trung là CCN Phong Phú (thành phố Thái Bình) với 38/51 doanh nghiệp có nước thải được thu gom đấu nối; CCN làng nghề xã Thái Phương đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, đang xây dựng cơ chế quản lý, vận hành. Các CCN khác chưa có trạm xử lý nước thải tập trung và khu tập kết chất thải rắn bảo đảm quy định. Việc xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong CCN hầu hết đều tự đầu tư xử lý nên rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT). 


Theo quy định tại Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 19/11/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CCN. UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định hiện hành đối với các CCN; UBND cấp huyện đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào CCN; xây dựng và thực hiện kế hoạch di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào trong các CCN trên địa bàn. Chủ đầu tư CCN phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định. 


Tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản về việc đầu tư xây dựng các công trình BVMT tại các CCN gửi và đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, khẩn trương thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động trong các CCN trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; đôn đốc các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạng mục xử lý nước thải tập trung cho CCN; thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng các CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt, căn cứ khả năng thu hút đầu tư và nguồn vốn đầu tư lựa chọn CCN để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình BVMT; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. 


Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến đầu tư, làm cầu nối để các nhà đầu tư đến đầu tư tại các CCN trong tỉnh, ưu tiên lựa chọn dự án ít gây ô nhiễm môi trường. 


Để góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường, BVMT tại các CCN, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị HĐND, UBND tỉnh có biện pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, nhất là ưu đãi trong xử lý nước thải; tăng cường chỉ đạo, giám sát UBND các huyện, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT các CCN.

(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày