Thứ 4, 22/05/2024, 09:51[GMT+7]

Quốc hội thảo luận việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế

Thứ 6, 07/06/2019 | 15:04:03
904 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường thảo luận việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận tại hội trường.

Audio: 0706_quoc_hoi1_mixdown.mp3

Tham gia thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng việc tham gia Công ước này là phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đó là chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và hướng tới chuẩn mực cao nhất của thế giới. Trong thị trường hội nhập, hiện đại đó có một thị trường rất quan trọng, rất đặc biệt là thị trường lao động. Vì đặc biệt nên không chỉ được điều chỉnh bởi các cá nhân mà còn bởi cơ chế thương lượng tập thể giữa 2 bên tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động. Cho nên tham gia vào công ước này sẽ giúp nước ta tiếp tục xây dựng khuôn khổ pháp lý để đảm bảo cho thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể được công khai, minh bạch và hiệu quả nhằm mục tiêu tiếp tục cải cách cơ chế thị trường ở nước ta theo đúng đường lối đổi mới của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước ta trong việc bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng; Phù hợp với lộ trình chủ động của Nhà nước ta về việc tham gia các hiệp định quốc tế, điều ước quốc tế; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua mặc dù tổ chức công đoàn hay tổ chức người sử dụng lao động đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tuy nhiên công tác thương lượng tập thể vẫn đang là vấn đề chưa đảm bảo hiệu quả, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của giới chủ, chưa góp phần xây dựng được quan hệ lao động hài hòa. Thực tiễn nước ta đang đòi hỏi nâng cấp hệ thống pháp luật liên quan đến thương lượng tập thể.

Trên cơ sở đó, đại biểu đã kiến nghị một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo các yêu cầu của công ước này, đó là:

Thứ nhất, khi tham gia công ước sẽ có những tổ chức đại diện người lao động khác không phải là thành viên của tổ chức công đoàn. Vì vậy, đề nghị cần có bước đi phù hợp với thực tiễn và hệ thống chính trị ở nước ta. Trước hết, có thể thành lập ở cấp doanh nghiệp, sau thời gian thí điểm, căn cứ vào thực tiễn mới tính đến khuôn khổ pháp luật và các quy định cho hệ thống này được mở rộng ngoài hệ thống công đoàn.

Thứ hai, liên quan đến tổ chức người sử dụng lao động, cần bảo đảm bình đẳng trong hệ thống pháp luật, hệ thống tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động. Trong hệ thống này hiện nay quy định rất rõ vai trò của tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động. Nhưng quy định về chức năng, nhiệm vụ về tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động chưa được quy định rõ. Trên thực tế VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đang đảm nhiệm chức năng này nên đề nghị luật hóa trong Luật Lao động để đảm bảo bình đẳng giữa 2 chủ thể trong thương lượng tập thể là tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động.

Thứ ba, đề nghị phải nghiên cứu tái cấu trúc lại quỹ công đoàn. Hiện nay 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng đóng cho tổ chức công đoàn. Thời gian tới cơ chế quản lý và vận hành của hệ thống này như thế nào. Bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng được hưởng điều này. Đề nghị phải thành lập một quỹ lao động hay quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam. Trong sự quản lý quỹ này cần vai trò của Nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện quỹ này một cách tốt nhất. Cho nên, không thể giữ là quỹ công đoàn mà phải là quỹ lao động trên sự tham gia của cả ba bên.

Trước đó đầu giờ buổi sáng, Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 01 nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc và 01 nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và tiến hành thảo luận ở hội trường về một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2018 và 2019.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày