Thứ 4, 24/07/2024, 05:24[GMT+7]

Tranh luận thẳng thắn, tìm giải pháp cho những vấn đề nổi cộm (Kỳ 5)

Thứ 5, 08/08/2019 | 15:23:36
1,017 lượt xem

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tốt xã hội hóa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Kỳ 5: Giải quyết tình trạng bác sĩ xin ra khỏi ngành

Chất vấn đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế, các đại biểu: Nguyễn Thanh Tuấn, tổ Vũ Thư và Vũ Xuân Hùng, tổ Quỳnh Phụ đặt vấn đề về thực trạng công tác xã hội hóa y tế ở tỉnh ta, công tác quản lý của ngành và định hướng trong thời gian tới? Thực trạng, giải pháp của ngành để quản lý các bệnh viện công lập được xã hội hóa. Giải pháp của ngành với việc bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư? Biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bằng quỹ bảo hiểm y tế?

Xã hội hóa về y tế - nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Trả lời về thực trạng công tác xã hội hóa y tế ở tỉnh ta, đồng Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế Thái Bình có 37 đơn vị trực thuộc gồm 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện, 5 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 8 trung tâm y tế huyện, 2 chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 5 bệnh viện tư nhân đang hoạt động. Xã hội hóa y tế là chủ trương đúng, tạo điều kiện để toàn xã hội mà mọi người dân quan tâm được tham gia đúng góp, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội hóa. Tại Thái Bình, 100% bệnh viện công lập đã triển khai thực hiện xã hội hóa. Các hình thức xã hội hóa đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật từ việc lập, phê duyệt đề án, dự án và triển khai thực hiện góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh.

Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế, Sở Y tế đã tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc xã hội hóa theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh. Khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để phát triển, giảm được đầu tư công trong lĩnh vực y tế. Tổ chức thẩm định, đồng ý chủ trương các hoạt động xã hội hóa theo đúng phân cấp; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các đề án, dự án theo đúng quy định. Hàng năm, Sở chủ động phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá, thực hiện các đề án xã hội hóa, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

Để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các hoạt động về xã hội hóa như: khám chữa bệnh theo yêu cầu, vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ người bệnh. Khuyến khích các bệnh viện thực hiện xã hội hóa, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Xã hội hóa nhưng phải làm tốt công tác quản lý
Trả lời câu hỏi về việc quản lý các bệnh viện công lập được xã hội hóa, đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn tỉnh hiện có 9/21 bệnh viện công lập thực hiện xã hội hóa đặt các thiết bị y tế chất lượng cao. Đây là một trong các hình thức xã hội hóa theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế đã thẩm định, đồng ý chủ trương, giao cho giám đốc các bệnh viện phê duyệt đề án, lựa chọn đối tác đầu tư, xây dựng cơ chế, công khai, minh bạch danh mục và giá dịch vụ y tế cũng như quyền lợi của các bên, thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định. Qua kiểm tra hàng năm không phát hiện thấy các sai sót trong thực hiện liên doanh liên kết, các dịch vụ thực hiện trên máy xã hội hóa đều được cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đồng ý thanh toán, chi trả. Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước khu vực XI đã thực hiện kiểm toán chuyên đề tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, trong đó có nội dung liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế của 9 đơn vị nêu trên đánh giá cao tính hiệu quả và chính xác của các đề án trên; đồng thời khẳng định Sở Y tế Thái Bình đã quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện theo đúng quy định.

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải.

Bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc, đồng chí Phạm Văn Dịu cho biết: Số viên chức ngành Y tế xin ra khỏi ngành, chuyển sang công tác tại các bệnh viện ngoài công lập từ năm 2016 đến nay 78 người, trong đó có 44 bác sĩ, 12 bác sĩ có trình độ sau đại học. Nhiều cán bộ chuyển sang công tác tại tỉnh ngoài gây nên hiện tượng chảy máu chất xám, ảnh hưởng đến tỷ lệ bác sĩ/vạn dân trong khi nhiều cơ sở khám bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện, đặc biệt là trạm y tế nhiều năm không tuyển dụng được bác sĩ, dẫn đến nguy cơ thiếu bác sĩ trầm trọng.

Để giải quyết tình trạng trên, ngành Y tế đề xuất một số giải pháp đó là: Các cơ sở y tế công lập trong tỉnh cần đổi mới cơ chế quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực phát triển bệnh viện, tạo môi trường làm việc thân thiện để cán bộ y tế phát huy hết tay nghề, trình độ phục vụ người bệnh. Tăng cường đào tạo nghề chuyển giao công nghệ tuyến trên xuống tuyến dưới thông qua các đề án, dự án; qua đó cán bộ được tiếp nhận, thực hiện những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Tỉnh cũng cần có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ về tỉnh công tác; đồng thời quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước cho các bệnh viện chưa thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập nâng cao đời sống, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với sự phục vụ của cán bộ đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nâng cao chất lượng thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh BHYT
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc: Hiên nay nhiều cử tri là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phàn nàn về chất lượng thuốc và vật tư y tế chưa thật tốt trong khám chữa bệnh bằng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), đồng chí Phạm Văn Dịu cho biết: Trong những năm qua, tất cả các thuốc trúng thầu được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh không có thuốc nào bị đình chỉ lưu hành hoặc phải thu hồi liên quan đến chất lượng thuốc. Điều này khẳng định thông tin về chất lượng thuốc chưa tốt trong khám chữa bệnh BHYT là chưa phù hợp. Việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung nhằm thống nhất giá giữa tất cả các bệnh viện. Đây là quy định bắt buộc theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Y tế và tại Thái Bình đã được thực hiện nhiều năm nay và hoàn toàn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Hầu hết thuốc, vật tư y tế lưu hành trên thị trường đều đã được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành hợp pháp. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp đều có cơ hội trúng thầu như nhau và việc trúng thầu chỉ liên quan đến yếu tố giá và thông thường giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Điều này đồng nghĩa với thuốc đắt tiền, hãng sản xuất lớn, có thương hiệu, sản xuất tại các nước châu Âu khó có cơ hội trúng thầu.

Để khắc phục tình trạng trên, các bệnh viện cần phải phát huy vai trò của hội đồng thuốc và điều trị trong việc xây dựng phác đồ điều trị, lựa chọn thuốc cho phù hợp, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại các nước châu Âu đối với các trường hợp bệnh nặng, cấp cứu hoặc các đối tượng bệnh nhân là trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi. Tăng cường truyền thông, tư vấn cho người nhà, bệnh nhân trong việc sử dụng một số thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT nhưng phải sử dụng để bảo đảm yếu tố chuyên môn trong điều trị. Khuyến khích người dân, bệnh nhân sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu được tiếp cận và sử dụng những thuốc, vật tư theo yêu cầu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc tại các đơn vị, kiểm định chất lượng thuốc trên địa bàn; nghiêm túc xử lý những sai phạm trong việc cung ứng thuốc không bảo đảm chất lượng.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày