Thứ 4, 24/07/2024, 05:17[GMT+7]

Tranh luận thẳng thắn, tìm giải pháp cho những vấn đề nổi cộm (Kỳ 6)

Thứ 6, 09/08/2019 | 08:57:33
967 lượt xem

Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi tại xã Lô Giang (Đông Hưng).

Kỳ 6: Sớm hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi 

Tại kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiều cử tri và đại biểu kiến nghị sớm hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và giải thích lý do tại sao đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh triển khai chậm.

Giải đáp những vấn đề này, đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên vào đầu tháng 2/2019 và đến nay sau hơn 5 tháng dịch đã lan ra 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Thái Bình, từ ngày 12/2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên tại xã Đông Đô (Hưng Hà). Dù các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc dập dịch song đến nay bệnh dịch vẫn tiếp tục phát sinh rải rác tại 281 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy trên 367.000 con (trong đó lợn nái và đực giống trên 91.000 con, lợn con và lợn thịt gần 276.000 con) với tổng trọng lượng đã tiêu hủy 18.297.924 kg. Tổng kinh phí phải hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi là gần 707 tỷ đồng. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề, dẫn đến tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 âm 2,38% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngay từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch, công điện… chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch. Sở cũng phối hợp với Sở Tài chính căn cứ các văn bản của trung ương hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục hỗ trợ vật nuôi bị chết do bệnh dịch tả châu Phi. Trên cơ sở đó, các địa phương đã triển khai lập hồ sơ theo quy định. Ngày 3/5/2019, Sở ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thành phố triển khai thẩmđịnh hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho người  chăn nuôi do bệnh dịch tả lợn châu Phi đợt 1 năm 2019 (từ 12/2 đến 12/3/2019). Đến nay, Sở phối hợp với Sở Tài chính đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi đợt 1 theo chỉ đạo của UBND tỉnh của 6 huyện, số kinh phí đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ là gần 28 tỷ đồng (đã trình UBND tỉnh xem xét, quyết định). Sở đang đôn đốc các huyện, thành phố nộp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí đợt 2 (thời gian xảy ra bệnh dịch tả từ ngày 13/3 đến ngày 4/6/2019 để đoàn thẩm định của tỉnh tiếp tục thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Hồ sơ đợt 2 yêu cầu nộp ngày 28/6/2019, tuy nhiên đến nay mới có huyện Hưng Hà nộp hồ sơ còn 7 huyện, thành phố chưa hoàn thành việc thẩm định tại cơ sở.

Về quy trình cấp kinh phí hỗ trợ, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Căn cứ quyết định của UBND tỉnh, Sở Tài chính thực hiện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp huyện; UBND cấp huyện cấp bổ sung có mục tiêu qua ngân sách cấp xã. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện công khai danh sách các chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí theo các hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở UBND xã, thông báo bằng văn bản tới đảng ủy, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn và trưởng các thôn, tổ dân phố. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại xã, phường, thị trấn và tổ dân phố. Công khai tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Thời gian công khai theo quy định. Kết thúc thời gian công khai danh sách các chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí, UBND xã thực hiện chi trả cho các hộ bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo đúng quy định hiện hành.

Lò giết mổ của gia đình chị Bùi Thị Nhuần, xã Đông Giang (Đông Hưng).

Vì sao đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chậm tiến độ?

Ngày 19/1/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND về phê duyệt đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của đề án đã được phê duyệt. Tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm số hộ giết mổ nhỏ lẻ từ 1.684 hộ (năm 2015) xuống còn gần 1.300 hộ giết mổ hiện nay. Đã hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cơ sở giết mổ lợn thịt của ông Nguyễn Văn Nhượng, xã Minh Tân (Hưng Hà) với quy mô giết mổ 100 con/ngày đáp ứng đầy đủ các quy định về giết mổ. Tham mưu với UBND tỉnh tổ chức 2 hội nghị xúc tiến thương mại và UBND tỉnh ký quyết định chấp thuận nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tập trung cho liên doanh Công ty Lam Sơn và Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình, địa điểm tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, tuy nhiên, đến nay mục tiêu của đề án khó đạt được.

Theo đồng chí Phạm Văn Dụng giải thích: Nguyên nhân tiến độ thực hiện đề án chậm là chưa thu hút được nhà đầu tư vào việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung mặc dù ngành Nông nghiệp đã rất cố gắng trong việc xúc tiến đầu tư, phối hợp với nhà đầu tư đã có quyết định của UBND tỉnh về chủ trương nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực này đi thăm quan một số cơ sở giết mổ tại tỉnh ngoài, đi tìm kiếm trên thực địa vị trí để đầu tư xây dựng nhà máy.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ:  Hy vọng cùng với việc triển khai đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình (có nhà đầu tư Hàn Quốc dự kiến đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp, trong đó có nhà đầu tư khu giết mổ tập trung trên diện tích 10ha) và sự chuyển động mạnh hơn trong việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi thì trong thời gian tới sẽ thu hút được nhà đầu tư hình thành nên 1 - 2 khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày