Thứ 4, 24/07/2024, 05:20[GMT+7]

Tranh luận thẳng thắn, tìm giải pháp cho những vấn đề nổi cộm (Kỳ 7)

Thứ 6, 09/08/2019 | 15:07:51
1,090 lượt xem

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Kỳ 7: “Nóng” vấn đề giải quyết chế độ với người nhiễm chất độc hóa học 

Tại kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVI, đồng chí Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã giải đáp về những lĩnh vực ngành quản lý mà đại biểu và nhân dân kiến nghị trong các kỳ tiếp xúc cử tri và phiên thảo luận tổ. Trong đó có 2 vấn đề “nóng” đó là: kết quả rà soát, thực chứng con đẻ dị dạng lập hồ sơ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hưởng trợ cấp và phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Công khai quá trình thực chứng
Đồng chí Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ LĐTB&XH, từ năm 2017 đến nay, Sở LĐTB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai rà soát đối tượng hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tổng số người hoạt động kháng chiến hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sinh con dị dạng, dị tật phải thực chứng là 11.681 người. Sở đã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thực chứng và công khai kết quả thực chứng, kết quả rà soát tại các địa phương; tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định, chính sách của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để mọi người nắm vững, đối chiếu và tự giác thực hiện. Các trường hợp công khai con đẻ không mắc dị dạng, dị tật đã đình chỉ trợ cấp. Những trường hợp người hoạt động kháng chiến đã chết, hiện không hưởng trợ cấp đã đề nghị miễn xem xét, xử lý theo Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ về xử lý khoản trợ cấp người có công đã hưởng không đúng quy định

Đối với trường hợp con đẻ (đã kê khai trong hồ sơ trước đây) người hoạt động kháng chiến bổ sung xác nhận của cơ Sở Y tế mắc tật gai sống chẻ đôi. Sở LĐTB&XH đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, các cơ quan liên quan xác định tính xác thực đối với xác nhận của cơ sở y tế về dị tật gai sống chẻ đôi.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH đã gửi thông báo đề nghị bổ sung hoàn thiện hồ sơ để giới thiệu giám định, xác định tính xác thực đối với hồ sơ con đẻ người hoạt động kháng chiến có bệnh án của cơ sở y tế mắc tật gai sống chẻ đôi cho trên 2.000 trường hợp. Sau khi gửi thông báo, Sở LĐTB&XH đã nhận được 142 trường hợp xin rút hồ sơ con đẻ mắc tật gai sống chẻ đôi đề nghị bổ sung hồ sơ bản thân mắc bệnh tật; bổ sung hồ sơ con khác mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh theo quy định. 863 trường hợp đề nghị được bổ sung hồ sơ có con đẻ dị dạng dị tật bẩm sinh đã chết. 400 trường hợp hoàn thiện hồ sơ giới thiệu xác định kết luận của cơ sở y tế con đẻ mắc tật gai sống chẻ đôi. 680 trường hợp, trong đó có 489 trường hợp chưa hoàn thiện hồ sơ, 191 trường hợp xin rút hồ sơ con đẻ người hoạt động kháng chiến mắc tật gai sống chẻ đôi. 22 trường hợp người hoạt động kháng chiến đã chết đề nghị miễn xem xét, xử lý.

Theo quy định về trình tự thủ tục hồ sơ và kết quả bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của đối tượng có con đẻ mắc tật gai sống chẻ đôi, Sở LĐTB&XH đề xuất phương án xử lý: Đối với trường hợp bổ sung kết quả chụp X.quang của cơ sở y tế con đẻ mắc tật gai sống chẻ đôi, đồng thời bản thân mắc bệnh tật, con đẻ mắc dị dạng, dị tật còn thắc mắc với kết quả thực chứng, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ giới thiệu đối tượng đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định làm cơ sở giải quyết chính sách theo quy định. Các trường hợp đề nghị bổ sung hồ sơ sinh con dị dạng, dị tật đã chết chuyển hồ sơ đến Sở Y tế để xem xét, xác định đối tượng đủ điều kiện tiếp tục hưởng chính sách theo Quyết định 3459/QĐ-BYT ngày 31/7/2018 của Bộ Y tế. Các trường hợp đã tiếp nhận thông báo hoàn thiện hồ sơ để giới thiệu đến các cơ quan có thẩm quyền giám định, xác định, xác thực đối với kết luận của cơ sở y tế về tật gai sống chẻ đôi của con đẻ nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ, xin rút không bổ sung hồ sơ con đẻ mắc tật gai sống chẻ đôi; đối tượng tiếp nhận thông báo nhưng không có ý kiến phản hồi. Tiếp tục tuyên truyền, giải thích quy định chính sách, vận động để đối tượng tự giác thực hiện theo quy định. Trường hợp không hoàn thiện được hồ sơ theo quy định thực hiện đình chỉ trợ cấp. Các trường hợp người hoạt động kháng chiến đã chết đề nghị miễn xem xét, xử lý.

Chăm sóc, giáo dục trẻ tại Trường mầm non xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ).

Ngăn chặn lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em
Đồng chí Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 426.600 trẻ em từ 0-16 tuổi (chiếm 23,83% dân số của tỉnh). 100% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được cấp thẻ BHYT. Năm 2018, toàn tỉnh có 267/286 xã, phường, thị trấn đạt xã, phường phù hợp với trẻ em. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thời gian qua Sở LĐTB&XH tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức các hoạt động tư vấn, tham vấn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong nhà trường và cộng đồng. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại, bạo lực cho trẻ em. Kiện toàn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình - trẻ em các xã, phường, thị trấn; xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, khu dân cư. Sở phối hợp với Công an tỉnh thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây tư vấn miễn phí bảo vệ trẻ em của Trung ương là 111, đường dây nóng Công an tỉnh là 0692.765.886 trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi trẻ em, nhân dân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

Cô và trò Trường Mầm non Tây Giang (Tiền Hải).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 4 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 3 vụ dâm ô trẻ em và 1 vụ giao cấu với trẻ em (so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng: Bắc Giang 4 vụ, Hưng Yên 7 vụ, thành phố Hải Phòng 10 vụ). Ngay sau khi nắm bắt thông tin địa phương xảy ra trường hợp trẻ em bị xâm hại, Sở LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố có trẻ em bị xâm hại chỉ đạo cơ quan công an và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành xác minh, điều tra thu thập chứng cứ, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Thực hiện các biện pháp trợ giúp trẻ em là nạn nhân và gia đình của trẻ theo Luật Trẻ em về tâm lý, sức khỏe, phục hồi, an toàn, trợ giúp pháp lý và các nhu cầu cấp thiết khác.

Để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian tới, ngành LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Tăng cường tuyên truyền về đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em là 111 để mọi cơ quan, tổ chức cá nhân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại và khi cần sự hỗ trợ. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ trẻ em, người chăm sóc trẻ và kiến thức kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Kiểm tra đánh giá sự quan tâm, chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở về công tác trẻ em theo Luật Trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong việc phát hiện, tiếp nhận thông tin, can thiệp trợ giúp vụ việc trẻ em bị xâm hại.

Nguyễn Hình - Thu Hiền


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày