Thứ 7, 28/12/2024, 19:02[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Thứ 3, 29/10/2019 | 14:47:00
1,512 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về hai nội dung trên.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại tổ.

Audio: 3010_du_an_luat_mixdown.mp3

Tại tổ thảo luận, các vị đại biểu phát biểu tán thành với với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Việc sửa đổi, bổ sung luật này là nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. 

Về các nội dung cụ thể, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí quy định đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội; đề nghị quy định cụ thể về địa vị pháp lý, vị trí vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao đồng thời cần luật hóa các quy định về tiêu chuẩn, địa vị chức danh Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; về bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chỉ quy định có tính khái quát, không kể tên cụ thể Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với tính chất là một đơn vị độc lập giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội như trong Luật hiện hành;…

Về nội dung thứ hai, các vị đại biểu cho rằng việc xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Theo đó, tại những phường thực hiện thí điểm, Hội đồng nhân dân phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.

Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 nội dung này.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày