Chủ nhật, 29/12/2024, 09:02[GMT+7]

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ 6, 22/11/2019 | 15:21:26
1,346 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 431 đại biểu tán thành, chiếm 89,23% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật.

Audio: 2211_quoc_hoi_22_mixdown.mp3

Theo đó Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều như về cơ cấu, số lượng Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân /Trưởng ban Hội đồng nhân dân  là đại biểu chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân/Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân  hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân/Trưởng ban Hội đồng nhân dân  là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân /02 Phó trưởng ban Hội đồng nhân dân  hoạt động chuyên trách;

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: 

 a) Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu; 

b) Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương: dự thảo Luật chỉ quy định khái quát về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, còn việc sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay sẽ thực hiện theo văn bản của cấp có thẩm quyền trên cơ sở kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 01 tháng 7 năm 2020 và có bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Cuối giờ buổi chiều, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước đó, đầu giờ làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Cuối giờ sáng, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày