Chủ nhật, 29/12/2024, 08:25[GMT+7]

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Thứ 2, 25/11/2019 | 15:46:25
1,508 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 25/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, với 426 đại biểu tán thành, chiếm 88,2% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Audio: 26112019_tin_quoc_hoi_ngay_25_mixdown.mp3

Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như sau: Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Luật bổ sung, chỉnh lý quy định để thể hiện chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng, quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ ở cả trung ương và địa phương; Về phương thức tuyển dụng công chức, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian cam kết kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên nhằm khuyến khích, thu hút người đủ tiêu chuẩn, năng lực về làm công chức ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, về chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số, về chính sách ưu tiên đối với nhà khoa học trẻ có tài năng, Luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được “tiếp nhận vào làm công chức” không qua thi tuyển; Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định có tính nguyên tắc trong Luật theo hướng việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và giao Chính phủ quy định cụ thể; Về nâng ngạch công chức, sửa đổi, bổ sung như sau: “việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch”; việc xét nâng ngạch chỉ đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt đối với công chức đã đáp ứng hầu hết các điều kiện, tiêu chuẩn để được thi nâng ngạch (trừ yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch) và thực sự xuất sắc được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của Chính phủ hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Đồng thời, giao Chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức; Bổ sung nội dung về đánh giá công chức: chấp hành quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể…ngoài ra Luật còn chỉnh sửa một số nội dung cụ thể về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, về hệ quả đối với cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu,...

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cuối giờ, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự để bầu và thông qua Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày